Công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đặc biệt quan tâm, đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, mô hình kinh tế tập thể, HTX được khuyến khích phát triển trên tất cả các ngành nghề, lĩnh vực của nền kinh tế. Tập trung phát triển HTX gắn với sản phẩm chủ lực của vùng như chè, cây dược liệu, cây ăn quả có múi, các sản phẩm OCOP, chăn nuôi, phát triển du lịch cộng đồng...
Ông Lê Quý Toàn, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết: Tính đến hết tháng 8 năm 2023, toàn tỉnh có 416 HTX thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Vốn Điều lệ của các HTX là 1.056,714 tỷ đồng, bình quân của một HTX là 3,24 tỷ đồng. Các HTX đã tạo việc làm cho 6.940 người với thu nhập bình quân của lao động trong HTX là 52,6 triệu đồng/năm/người.
Ông Kim Văn Tân, Giám đốc HTX Trà Tân Tiến (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) vừa được bình chọn là một trong 100 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023. Ông đã khai thác được lợi thế của mảnh đất Tân Uyên là nơi trồng nhiều chè. HTX của ông liên kết với gần 200 hộ dân ở xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên) trồng khoảng gần 300 ha chè. Người dân trồng, thu hoạch chè đảm bảo theo hướng hữu cơ. Sau đó được HTX Trà Tân Tiến bao tiêu đầu ra. Hàng năm, HTX thu mua trên 7.500 tấn chè tươi từ các hộ dân liên kết và thực hiện sản xuất, chế biến chè khô luôn tại nhà máy do HTX đầu tư xây dựng. Mỗi năm, HTX bán ra hơn 1.000 tấn chè thành phẩm cho cả thị trường trong nước và quốc tế thu về gần 50 tỷ đồng. Trừ chi phí, mỗi năm HTX lãi hơn 3 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 40 công nhân, với mức lương đảm bảo từ 6-7 triệu đồng mỗi tháng.
Việc có doanh thu cao và tạo công ăn việc làm cho người lao động là kết quả của nhiều HTX. Ông Phan Văn Ngũ, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông dược Phương Nam cho biết: HTX đã thực hiện liên kết với 256 hộ dân tại 4 xã của huyện Tân Uyên trồng 50 ha ớt phục vụ xuất khẩu, tạo việc làm mới cho hàng trăm lao động. HTX cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật), bao tiêu sản phẩm đầu ra cho thành viên và các hộ nông dân liên kết. Từ đầu vụ đến nay, HTX đã thu mua hơn 360 tấn ớt của bà con. Sơ bộ, 1 ha trồng ớt thu nhập từ 200 triệu đến 300 triệu/ha, cao hơn so với trồng ngô và lúa một vụ trước đây. Hiện, đang mở rộng vùng sản xuất sang các huyện trong tỉnh theo quy hoạch.
Sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX đã góp phần giảm nghèo tại tỉnh Lai Châu. Đánh giá sơ kết giữa kỳ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Lai Châu, ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Trong giai đoạn 2004-2021, từ các chương trình, dự án của Trung ương và địa phương về hỗ trợ giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm của tỉnh giảm bình quân 5,87%, đạt và vượt kế hoạch giao. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tính đến đầu năm 2022 toàn tỉnh có 30.048 hộ nghèo, chiếm 28,54% tổng số hộ dân cư, trong đó tỉ lệ hộ nghèo DTTS là 26,3%. Ước thực hiện năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 24,9%.
Thành quả sản xuất, kinh doanh của các HTX đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, làm thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nhất là nông thôn vùng đồng bào DTTS.