Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hiệu quả từ quá trình chú trọng phát triển kinh tế tập thể ở Gia Lai

Hòa Bình - 10:01, 18/09/2023

Thời gian qua, nhờ chú trọng phát triển kinh tế tập thể, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Huyện Chư Păh khuyến khích người dân tham gia HTX, chuỗi liên kết trồng chanh dây
Huyện Chư Păh khuyến khích người dân tham gia HTX, chuỗi liên kết trồng chanh dây

Gia Lai hiện có 335 HTX, 2 liên hiệp HTX và 498 tổ hợp tác với tổng số vốn điều lệ (theo giấy phép đăng ký kinh doanh) là gần 900 tỷ đồng, tổng số thành viên HTX là 18.629 người, giải quyết việc làm cho 1.872 lao động tại địa phương.

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của các HTX là dịch vụ thủy lợi; cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; chăn nuôi gia súc; trồng và chăm sóc hồ tiêu, cà phê, sâm, các loại cây ăn quả... Phần lớn HTX hoạt động ổn định, giải quyết được việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên, góp phần xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong lĩnh vực này là HTX Mật ong Phương Di (huyện Ia Grai), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (huyện Đak Đoa), HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm (huyện Mang Yang), HTX Nông nghiệp Chư A Thai (huyện Phú Thiện)…

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh Gia Lai nhận định: Trong những năm gần đây, các HTX nông nghiệp đã hướng dẫn thành viên trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao và dần tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Đa số HTX đã chú trọng đến việc kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, hướng đến những sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hộ gia đình, khu vực nông thôn và tăng trưởng chung của tỉnh. 

HTX vươn lên làm ăn có hiệu quả, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo vị trí trên thị trường, tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đối với các HTX nông nghiệp, việc thực hiện một số chính sách đặc thù, nhất là chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã góp phần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác quản lý.

Các đại biểu tham quan, học hỏi mô hình sản xuất cà phê hữu cơ và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp
Các đại biểu tham quan, học hỏi mô hình sản xuất cà phê hữu cơ và xây dựng vùng nguyên liệu cà phê bền vững của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp

Điển hình là chuỗi liên kết do Công ty TNHH Vĩnh Hiệp làm đầu chuỗi, đã hình thành quy mô liên kết cà phê 20.000 ha (quy trình 4C: 10.000 ha, quy trình UTZ: 1.241 ha, quy trình Organic: 45 ha) và 8.714 ha với 10 HTX và trên 7.000 hộ nông dân trồng cà phê trực tiếp trên địa bàn 6 huyện, cho ra sản lượng thu mua hàng năm đạt 70.000 tấn cà phê nhân. Doanh nghiệp này mang về hàng tỷ USD nhờ xuất khẩu cà phê sang thị trường khó tính như các nước EU.

Ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp cho rằng, khi nhu cầu thị trường khắt khe hơn, người tiêu dùng hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe thì người dân, doanh nghiệp trồng cà phê phải thay đổi để đáp ứng. Để làm được điều này, không thể “mạnh ai nấy làm” như trước mà phải hợp tác, liên kết với nhau. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có uy tín, chất lượng trên thị trường trong nước và thế giới… Như vậy, giá trị nông sản ổn định, sản xuất nông nghiệp mới bền vững.

Ngoài ra còn có Tập đoàn Lộc Trời đã liên kết trên 1.242 ha (1.013 ha cây ngô sinh khối và 229,6 ha lúa nước), với 8 TTX và 2 tổ hợp tác trên địa bàn 9 huyện, thị xã; Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu rau quả Doveco Gia Lai đang thực hiện liên kết 2.090,6 ha, với 5 TTX, 71 tổ hợp tác và 1.075 hộ nông dân tham gia, triển khai trên địa bàn 12 huyện, thị xã…

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có uy tín
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sẽ góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông- công nghiệp có uy tín

Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2022, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 147 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Trong số này, 122 dự án đã được thẩm định, phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện với tổng kinh phí gần 289 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, định hướng chung về phát triển kinh tế tập thể, HTX là khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh; ưu tiên xây dựng các mô hình HTX gắn với chuỗi giá trị, liên kết các HTX và các thành phần kinh tế khác,... Hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, nhiều thành viên, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng.

Mục tiêu đến cuối năm 2023, Gia Lai có khoảng 390 HTX với 18.257 thành viên, 529 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp HTX với 13 HTX thành viên; phát triển các HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác có chất lượng với tỷ lệ cán bộ quản lý tốt nghiệp cao đẳng, đại học đạt ít nhất 34%; khoảng 48% giám đốc HTX được đào tạo sơ cấp nghề. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, phấn đấu đến cuối năm 2023 có trên 8,8 % HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ nông sản, khoảng 31% HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị.

Tỉnh Gia Lai khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của địa phương
Tỉnh Gia Lai khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong các ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng và thế mạnh của địa phương.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan thực hiện nghiêm các giải pháp phát triển kinh tế tập thể, HTX đã đề ra trong năm 2023. 

Cụ thể, tập trung tuyên truyền, tập huấn pháp luật về kinh tế tập thể, HTX; huy động và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện chính các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX như nguồn vốn vay ưu đãi, hợp tác đầu tư, tiếp cận các sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thông tin, khoa học kỹ thuật…; rà soát, bổ sung, hoàn thiện khung pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong cải cách hành chính, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức… 

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu sở, ban ngành đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, HTX có chất lượng; phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, hội, hiệp hội trong phát triển kinh tế tập thể,  huy động các lực lượng xã hội, các tổ chức đoàn thể tham gia thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.