Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Các Hợp tác xã ở Quảng Nam đẩy mạnh chuyển đổi số

Tiêu Dao - 18:29, 15/09/2023

Xác định chuyển đổi số là động lực, giúp cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn có được mô hình hoạt động sản xuất, kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí và tối ưu hoá nguồn lực, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực chuyển đổi số cho nhiều mô hình HTX trong thời gian vừa qua.

Bà Hồ Thị Mười, Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, huyện Nam Trà Mi giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh
Bà Hồ Thị Mười (bên trái), Giám đốc HTX Cộng đồng Ngọc Linh, huyện Nam Trà Mi giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh

“Kích hoạt” các HTX chuyển đổi số

Quảng Nam là địa phương có phong trào phát triển hợp tác xã từ khá sớm. Đến nay toàn tỉnh đã có 539 HTX, trong đó có nhiều HTX hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cũng là nhân tố tích cực trong triển khai thực hiện chuyển đổi số HTX.

Để nắm bắt cơ hội chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhiều HTX ở Quảng Nam đã đưa công nghệ vào sản xuất, trồng trọt. Đơn cử như HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (huyện Đại Lộc) đã nỗ lực số hóa dữ liệu, sử dụng các công nghệ số, dùng mạng Internet để tra cứu thông tin mùa vụ, thời tiết, sâu bệnh hại, thổ nhưỡng, giống cây trồng, con vật nuôi, cập nhật kiến thức sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm của HTX được trang bị đầy đủ hệ thống tem, mã vạch, truy xuất nguồn gốc với quy trình sản xuất an toàn. HTX Ái Nghĩa cũng đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, đa dạng hóa và số hóa hình thức tiêu thụ sản phẩm như bán hàng Online thông qua Facebook page, Zalo, các sàn thương mại điện tử như Voso, Lazada, Shopee; sử dụng các App Viettelpost, giaohangtietkiem, vietnampost để giao hàng cho khách hàng.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh của HTX Cộng đồng Ngọc Linh
Gian hàng giới thiệu sản phẩm sâm Ngọc Linh của HTX Cộng đồng Ngọc Linh

Còn tại huyện miền núi Nam Trà My, việc chuyển đổi số đã tạo điều kiện cho những sản phẩm dược liệu chế biến sâu tham gia OCOP, từng bước nâng tầm chất lượng dược liệu vùng cao Nam Trà My, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. HTX Cộng đồng Ngọc Linh với sản phẩm sâm Ngọc Linh đang là sản phẩm kinh doanh chủ lực. Để nâng tầm giá trị “quốc bảo”, HTX này đã mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ, tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Qua đó tạo sự đa dạng, phong phú về mẫu mã, tính đặc trưng, đặc sản của sản phẩm trên thị trường.

Tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh trên không gian mạng, đây là bước khởi đầu trên lộ trình chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh trên thế giới. Khách hàng được trải nghiệm thực tế các gian hàng qua hình ảnh 2D, 3D; giới thiệu các hoạt động giao thương, kết nối cung- cầu.

Tại huyện Tiên Phước hiện có 65 HTX, 14/14 xã có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và có 25 HTX tham gia làm chủ trì dự án chuyển đổi số. Các HTX đã tập trung ứng dụng chuyển đổi số để thực hiện truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch điện tử như HTX Địch Yên, HTX Nông nghiệp xanh Đất Quảng, HTX Trầm Hương Tiên Phước, HTX Dịch vụ nông nghiệp, chế biến và KDTH Phước Tuyên, HTX Dịch vụ Nông nghiệp KDTH Nhật Linh; HTX Nông nghiệp hữu cơ - Trầm Hương Như ý; HTX Nông nghiệp Phước Hà…

Nhiều HTX cũng xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị mình, tạo mã QR-code, tạo mã Viettelpay cho khách hàng mua sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt; thiết kế logo, nhãn hiệu, hộp đựng và đăng ký nhãn hiệu, xây dựng các website bán hàng.

Tạo cơ chế chuyển đổi số cho các HTX

Theo các chuyên gia, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp là phải ứng dụng công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị như truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, tiêu thụ sản phẩm qua hình thức thương mại điện tử. Việc thực hiện chuyển đổi số tại một số HTX mở ra nhiều cơ hội, giúp gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, việc triển khai chuyển đổi số tại các HTX ở Quảng Nam đối diện với không ít khó khăn. Số lượng HTX tham gia chuyển đổi số còn ít, chưa quy củ. Việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật đòi hỏi nguồn lực lớn nên nhiều HTX chưa có đủ năng lực triển khai thực hiện.

Nhiều HTX ở Quảng Nam ký kết hợp tác chuyển đổi số tại Hội chợ Xúc tiến thương mại HTX - Kết nối cung cầu năm 2023.
Nhiều HTX ở Quảng Nam ký kết hợp tác chuyển đổi số tại Hội chợ Xúc tiến thương mại HTX - Kết nối cung cầu năm 2023.

Để định hướng phát triển kinh tế số nông nghiệp, trong giai đoạn tới, ngành Nông nghiệp Quảng Nam đang tập trung nguồn lực hỗ trợ vào nhóm doanh nghiệp, HTX, nông hộ có tiềm năng thực hiện phát triển kinh tế số nông nghiệp; đối tượng sản xuất là nông sản chủ lực, đặc sản, sản phẩm OCOP; tập trung cho xã/huyện phấn đấu về đích NTM, NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam theo định hướng xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hình thành nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị.

Ông Võ Bảy, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam chia sẻ, việc chuyển đổi số sẽ thúc đẩy sản xuất theo quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận tại vùng nguyên liệu; thúc đẩy phát triển mạnh liên kết sản xuất; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất tại vùng nguyên liệu, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, nền tảng số. Tỉnh Quảng Nam đã chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho nông sản chủ lực, đặc hữu, sản phẩm OCOP gắn với hệ thống truy xuất nguồn gốc; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản, sản phẩm OCOP…

Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam” thu hút nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam” thu hút nhiều kiến nghị, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Nam cũng đã tổ chức thành công các hoạt động tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cho 190 HTX trên địa bàn tỉnh; tập huấn hướng dẫn xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp cho cán bộ phụ trách chuyển đổi số của đơn vị trực thuộc Sở, các phòng ban chuyên môn và hơn 30 giám đốc các HTX tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Đặc biệt, thông qua Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp Quảng Nam” được tổ chức vào tháng 9/2022 vừa qua, đã góp phần giúp ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có thêm nhiều giải pháp hữu ích, thiết thực để triển khai chuyển đổi số hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.