Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng bào vùng cao Y Tý thoát nghèo nhờ làm du lịch

Văn Phong - 06:51, 24/11/2023

Là xã vùng cao biên giới cách trung tâm huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai khoảng 80km, Y Tý thuộc diện xã đặc biệt khó khăn với gần 800 hộ gia đình các dân tộc Mông, Hà Nhì, Dao, Giáy sinh sống tại 16 thôn, bản. Trong đó, đông nhất là cộng đồng người Hà Nhì, chiếm tới 70% dân số toàn xã. Chính vì thế, chính quyền xã Y Tý đã xác định du lịch là một trong ba bước đột phá để phát triển kinh tế và vận động Nhân dân tham gia phát triển du lịch.

 Homestay của anh Lý Xá Xuy luôn đông khách du lịch
Homestay của anh Lý Xá Xuy luôn đông khách du lịch

Nằm ở độ cao 2.000m so với mực nước biển, Y Tý mang một vẻ đẹp riêng độc đáo, cảnh quan tuyệt đẹp và khí hậu mát mẻ. Đặc biệt, đồng bào các dân tộc nơi đây còn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống khá độc đáo, nhất là hệ thống nhà trình tường bằng đất, mái lợp cỏ gianh, cao bốn, năm mét ở các bản, làng người Hà Nhì.

Chính vì thế trong những năm qua, chính quyền nơi đây xác định nếu chỉ trông chờ vào canh tác thuần nông thì rất khó để đưa xã thoát nghèo mà cần phải có hướng chuyển dịch sang lĩnh vực du lịch, dịch vụ dựa trên tài nguyên tự nhiên và nhân văn của vùng đất này.

Thôn Choản Thèn có diện tích tự nhiên 236ha với 323 nhân khẩu, 96,8% dân số là người Hà Nhì, nơi đây vẫn giữ được không gian văn hóa khá nguyên bản của người Hà Nhì với những ngôi nhà trình tường bao quanh bởi ruộng bậc thang.

Anh Ly Cá Sứ nhớ lại: “Ngày trước nhà mình nghèo lắm, nhiều năm liền không thoát được diện hộ nghèo. Thấy trồng lúa không đủ ăn, mình bàn với vợ trồng thêm 0,6ha cây dược liệu. Tính ra, mỗi năm một vụ lúa được 2,5 triệu đồng cộng với khoảng 10 triệu đồng từ cây dược liệu. Vậy nên vợ chồng mình làm quần quật cũng chỉ đủ để không bị đói thôi”.

Được sự khích lệ của chính quyền địa phương và tạo điều kiện của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình anh Ly Cá Sứ đã đầu tư, cải tạo nhà tường đất truyền thống gọn gàng ngăn nắp, bài trí thêm nhiều khu vực nghỉ ngơi làm dịch vụ homestay. du khách đến vùng này không chỉ tham quan, thưởng thức không khí trong lành, đắm mình vào thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà còn được trải nghiệm sinh hoạt văn hoá của người dân địa phương, được thưởng thức những món ăn đặc sắc mà chỉ ở địa phương mới có.

Vẻ đẹp của Y Tý nhìn từ trên cao
Vẻ đẹp của Y Tý nhìn từ trên cao

Những năm đầu, lượng khách đến Y Tý còn ít, nhưng đến nay nhờ lợi thế cảnh quan, lượng khách đến Y Tý tham quan ngày càng đông, trong đó có cả du khách nước ngoài. Chính vì thế mà công việc làm ăn của gia đình anh Lý Cá Sứ cũng ngày càng ổn định. Dần dần, người dân trong thôn Choản Thèn đã biết làm du lịch và bảo nhau đầu tư làm homestay.

Để tạo điểm nhấn thu hút khách, từ sự định hướng của chính quyền, người dân đã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng lê vừa cho thu hoạch sản phẩm, vừa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch, bởi đến mùa Xuân, khách du lịch rất thích chụp ảnh trên những vạt đồi hoa lê nở trắng. Mùa Hè, khách lại được tự tay hái những quả lê chín mọng, thưởng thức tại vườn. Vì vậy, thay vì trồng manh mún nhỏ lẻ mỗi hộ dăm chục gốc lê quanh nhà, người dân đã trồng tập trung với tổng diện tích toàn xã lên tới 20ha.

Đến nay, Y Tý đã có khoảng 14 nhà du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn, mỗi năm thu hút gần 50.000 lượt khách du lịch. Mỗi hộ trừ chi phí thì thu lợi hàng trăm triệu đồng và tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ gia đình khó khăn khác.

Anh Lý Xá Xuy, dân tộc Hà Nhì là chủ cơ sở Homestay Y Ty Cloud. Tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Lý Xá Xuy đã chọn con đường về bản lập nghiệp với mô hình du lịch cộng đồng. Anh cho biết, khách lên đây chủ yếu là săn mây, đông nhất vào mùa lúa chín và thăm các bản của người Hà Nhì và người Mông cùng rừng nguyên sinh Dền Sáng, khu làng cổ Choẻn Thoẻn hoặc tham gia các tua du lịch lên đỉnh Nachava...

Mấy năm trước đường khó đi, vào mùa này xe thường bị sa lầy do mưa và bùn đất. Nay đường đã được trải nhựa, đổ bê-tông dễ đi hơn rất nhiều. Dịch vụ ăn nghỉ kiểu mô hình homestay ở khu vực cũng được xây dựng khá nhiều, thu hút đông khách du lịch. Lý Xá Xuy cho biết, vào dịp cuối tuần, các cơ sở đều kín phòng, nếu không đặt trước thì khách không thể có được phòng nghỉ ở Y Tý.

Mô hình trồng lê kết hợp làm du lịch nông nghiệp của anh Ly Cá Sứ đem lại thu nhập cao, ổn định
Mô hình trồng lê kết hợp làm du lịch nông nghiệp của anh Ly Cá Sứ đem lại thu nhập cao, ổn định

Ông Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Để giúp bà con tận dụng lợi thế, khai thác tiềm năng sẵn có tại địa phương, chính quyền đã mở nhiều lớp tập huấn hướng dẫn cho bà con làm du lịch cộng đồng.

Bên cạnh đó, để du lịch phát triển bền vững, việc duy trì và phát huy giá trị độc đáo trong kho tàng văn hóa đặc sắc của các DTTS cũng luôn được các ban, ngành quan tâm. Trong đó, thường xuyên tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Xuống đồng, Lễ hội Pút Tồng, Lễ hội Khô Già Già, Lễ Cúng rừng của dân tộc Hà Nhì, dân tộc Dao... nhằm thu hút du khách.

Chính quyền xã Y Tý xác định du lịch là một trong ba bước đột phá để phát triển kinh tế, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ triển khai vận động Nhân dân tham gia phát triển du lịch, cùng chung tay bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, gìn giữ cảnh quan làng, bản, vệ sinh môi trường, thực hiện cắm các biển chỉ dẫn giao thông đi lại và có thái độ thân thiện với du khách nhằm nâng cao hình ảnh điểm đến.

Và cũng nhờ mô hình phát triển du lịch mà trong năm qua, xã Y Tý đã giảm được trên 12% tỷ lệ hộ nghèo, diện mạo nông thôn đang ngày càng thay đổi, đời sống bà con DTTS ngày càng được cải thiện và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.