Du lịch được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, góp phần quan trọng vào tạo việc làm, sinh kế cho người dân, xóa đói, giảm nghèo, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa của dân tộc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, du lịch nông thôn ở Việt Nam thì có thể xếp vào 3 loại hình cơ bản là: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Du lịch nông thôn có đặc điểm chung là hoạt động du lịch được tổ chức trên địa bàn nông thôn; khai thác các giá trị tài nguyên du lịch đặc thù về văn hóa, lối sống, truyền thống làng quê - gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp của cộng đồng ở vùng nông thôn; tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tác động tích cực đến cuộc sống của cộng đồng nông thôn; trực tiếp tạo ra cầu nối hoạt động sản xuất và cung cấp nông sản, sản phẩm truyền thống. Điều đặc biệt, loại hình du lịch này thì vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa rất có tiềm năng, thế mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá về thực trạng hoạt động du lịch thời gian qua; định hướng và các giải pháp phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt (hơn 9,998 triệu lượt), tăng gấp 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng.
Theo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, du lịch là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, kết quả phục hồi du lịch có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng của nền kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Cùng với đó, Du lịch Việt Nam nhận 54 giải thưởng của Giải thưởng World Travel Awards năm 2023, nổi bật là giải thưởng "Điểm đến hàng đầu châu Á 2023" và "Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2023, tiếp tục khẳng định thương hiệu và vị thế của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm.
Trong những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam đặt ra trong thời gian tới, thì việc phát triển du lịch nông thôn đang được xem là hướng đi hiệu quả, nhằm khai thác hết tiềm năng, thế mạnh về sinh thái, cảnh quan khu vực nông thôn miền núi và bản sắc văn hóa đã dạng, phong phú của các dân tộc.
Tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững, vừa được tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chia sẻ về câu chuyện vợ chồng anh Tráng A Chu, dân tộc Mông làm du lịch cộng đồng tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La với 60 phòng nghỉ homestay lúc nào cũng kín khách dù là bản rất heo hút. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng sẽ giúp mở ra không gian du lịch mới, thậm chí tạo ra kỳ tích với sự tham gia của các tập đoàn du lịch hàng đầu.
Dẫn chứng câu chuyện làm du lịch ở Thanh Hóa, Nghệ An, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, phải chăng các cộng đồng du lịch đang đầu tư ở Cửa Lò, Sầm Sơn chỉ cần quan tâm thêm đến tài nguyên du lịch ở miền núi, vùng đồng bào DTTS của Thanh Hóa, Nghệ An thì sẽ tạo sự kỳ diệu rất lớn đối với du lịch. Đồng thời giúp cho đồng bào các DTTS phát triển những sản phẩm truyền thống, quảng bá, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc.
Đất nước Việt Nam có nhiều di sản, có những di sản đã được UNESCO vinh danh và có những di sản ở trong lòng người dân. Một dòng sông, một ngọn núi, một phong tục tập quán, một tấm vải thổ cẩm, một điệu múa, một tiếng khèn… tất cả đều là di sản. Nếu chúng ta biết khai thác triệt để sẽ tạo ra khác biệt, mang lại giá trị rất lớn trong phát triển du lịch.
Việt Nam phấn đấu mục tiêu đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa. Để hoàn thành mục tiêu này, du lịch Việt Nam cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, cần khai thác hiệu quả, có tư duy mới về loại hình du lịch nông thôn vùng đồng bào DTTS.