Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Họa sĩ nhí người dân tộc Tày đoạt giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023

Trương Vui - Thúy Hồng - 20:05, 31/05/2023

Chiều 31/5, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, Báo Thể thao và Văn hóa thuộc Thông tấn xã Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023.

Ban tổ chức trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 cho các tác giả
Ban tổ chức trao giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 4 cho các tác giả

Giải thưởng lớn “Hiệp sĩ Dế Mèn” gọi tên nhà văn Trần Đức Tiến

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng Ban tổ chức Giải thưởng cho biết, Dế Mèn là giải thưởng nghệ thuật thường niên, do Báo Thể thao và Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam sáng lập và tổ chức từ năm 2020, nhằm tìm kiếm và tôn vinh các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi.

Nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, trưởng ban tổ chức giải thưởng phát biểu khai mạc
Nhà báo Lê Xuân Thành - Tổng Biên tập Báo Thể thao và Văn hóa, Trưởng ban Tổ chức giải thưởng phát biểu khai mạc

Trải qua 3 mùa giải, với tinh thần làm việc nghiêm túc, minh bạch, Ban Tổ chức đã lựa chọn, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm xứng đáng đến với đông đảo công chúng. Các tác phẩm được ghi danh trên Bảng vàng Dế Mèn thuộc nhiều loại hình văn học, do các tác giả thuộc nhiều lứa tuổi sáng tạo, có chất lượng nghệ thuật cao.

Theo Ban Tổ chức, đây là một mùa giải phong phú, vượt dự đoán, khi đã nhận được 121 tác phẩm và chùm tác phẩm dự thi. Kết quả, có 7 giải thưởng và tặng thưởng được trao; trong đó có 2 tác giả là thiếu nhi.

Đây cũng là lần đầu tiên sau 2 năm vắng bóng (2021 - 2022), Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần 4 - 2023 đã tìm được chủ nhân của Giải thưởng lớn “Hiệp sĩ Dế Mèn”, với truyện dài “Alo!...Cậu đấy à?” của nhà văn Trần Đức Tiến.

Nhà văn Trần Đức Tiến nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn với truyện dài “Alo!...Cậu đấy à?” (minh họa Kim Duẩn, NXB Kim Đồng)
Nhà văn Trần Đức Tiến nhận giải Hiệp sĩ Dế Mèn với truyện dài “Alo!...Cậu đấy à?” (minh họa Kim Duẩn, NXB Kim Đồng)

Cùng với đó, Ban Tổ chức đã trao 4 giải “Khát vọng Dế Mèn” cho các tác phẩm: “Ông Ba Bị và những đứa trẻ trong mơ” (truyện dài của Lạc An, NXB Kim Đồng); “Ở một nơi có rất nhiều rồng” (bản thảo truyện dài của Mộc An); “Vua ngan xóm hồ” (bản thảo truyện dài của Uông Triều); Chùm tranh của họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang.

Ngoài ra, 2 tặng thưởng của Hội đồng giám khảo cũng được trao cho truyện dài “Nghé Ọ Hai Xoáy” (truyện dài của Phạm Anh Xuân, NXB Văn học - Tân Việt Books) và “Tôi, bố tôi, và…” và “Từ những bức thư” (chùm bản thảo của Đoàn Lữ Thụy Phương).

Họa sĩ nhí dân tộc Tày được vinh danh

Cũng tại Lễ trao giải đã diễn ra triển lãm Giải Dế Mèn của tác giả Hoàng Nhật Quang (11 tuổi, huyện Vân An, tỉnh Lạng Sơn). Chùm tranh em Quang mang đến cuộc thi đã gây ấn tượng mạnh với Ban Tổ chức, bởi ý tưởng độc đáo được thể hiện qua bố cục hợp lý và những tông màu mạnh mẽ.

Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (áo đỏ) nhận Giải thưởng Dế Mèn
Họa sĩ nhí Hoàng Nhật Quang (áo đỏ) nhận Giải thưởng Dế Mèn

Được truyền đam mê hội họa từ bố, họa sĩ nhí người Tày bắt đầu vẽ tranh từ năm 9 tuổi. Đến nay em đã vẽ được khoảng 40 bức tranh hoàn chỉnh, trong đó có nhiều bức tranh khổ lớn, phải đứng lên ghế, trèo lên thang để hoàn thành.

Điều tạo nên sự đặc biệt trong các bức vẽ của Quang là cách vẽ tự do, bộc phát ngay tại thời điểm vẽ, hầu như rất ít phải chỉnh sửa. Em chia sẻ, có khi đang chơi cùng bạn bè, có ý tưởng, em chạy về vẽ hình bằng màu luôn, không cần dùng bút chì, tẩy để phác hình.

Đối với những bức tranh khổ lớn, Quang phải đứng trên ghế để hoàn thành
Đối với những bức tranh khổ lớn, Quang phải đứng trên ghế để hoàn thành

Lần đầu tiên được tham gia Giải Dế Mèn, Quang không giấu được niềm vui và sự phấn khởi. “Con rất yêu những con vật trong tự nhiên, nên con thường lựa chọn những con vật đáng yêu này để tái hiện qua những gam màu con lựa chọn. Sau cuộc thi, con sẽ tiếp tục vẽ tranh, với các chủ đề tĩnh vật và sinh hoạt đời sống của con người”, Quang cho biết.

“Đứng trên vai trò của một họa sĩ, tôi nhận ra cách vẽ phóng khoáng của con. Nói cách khác, vì con cũng chưa được học vẽ, nên chỉ bằng cách cảm, nghĩ sao vẽ vậy. Cách dùng màu của con lúc đầu cũng theo bản năng, dùng rất nhiều màu, nhưng sau khi được bố góp ý về màu sắc và hướng dẫn kỹ thuật vẽ Acrylic, thì biết sử dụng ít màu hơn, theo gam màu nóng lạnh rõ ràng hơn, về kỹ năng tô màu và đi nét cảm cũng hợp lý hơn”, họa sĩ Hoàng Văn Điệp, bố của Quang chia sẻ.

Các bức tranh của em gây ấn tượng bởi sự phố màu mạnh mẽ nhưng đầy hài hòa, hợp lý
Các bức tranh của em gây ấn tượng bởi sự phố màu mạnh mẽ nhưng đầy hài hòa, hợp lý

Với họa sĩ "Thần đồng đất Việt" Lê Linh, các bức tranh của Nhật Quang có ý tưởng độc đáo, đa dạng. Các hình tượng trong tranh cũng phong phú không gượng ép. Cùng với đó, bố cục tranh sinh động, tông màu tranh mạnh mẽ và hết sức ấn tượng.

Cũng theo thông tin từ Ban Tổ chức, dự kiến ngày 8/6, tại TP. Hồ Chí Minh, Báo Thể thao và Văn hóa phối hợp với các tổ chức có liên quan tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên cho em Hoàng Nhật Quang, giới thiệu các tác phẩm của họa sĩ nhí này đến đông đảo công chúng.

Tin cùng chuyên mục
Bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" gây xúc cảm mạnh cho người xem

Bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" gây xúc cảm mạnh cho người xem

Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ, động lực thôi thúc anh bắt tay vào vẽ bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" chính là khi xem bản tin thời sự về trận lũ quét ở thôn Làng Nủ, Lào Cai. Hình ảnh về những mất mát, tang thương tại đây đã khiến anh không thể ngồi yên. Bức tranh gây xúc động nhất đối với anh là chân dung cô bé làng Nủ – đã mất hết gia đình, nhà cửa chỉ sau một đêm kinh hoàng.