Vượt khó để đi trên con đường của chính mình...
Vàng Hải Hưng sớm có tình yêu với hội họa từ bé. Khi xem trên tivi hay xem các cuốn sách, cuốn truyện, Hưng cứ mê mẩn theo những bức vẽ và đôi tay nhỏ bé ấy, đã bị hút vào màu sắc nguệch ngoạc những nét vẽ đầu tiên.
Hưng kể, sinh ra ở vùng cao biên giới, mọi đứa trẻ như Hưng khi lớn lên, đều tự xác định gánh vác trách nhiệm gia đình, khi cái nghèo vẫn còn đeo bám lấy cuộc sống. Thế nên ước mơ trở thành hoạ sỹ thật viển vông. Bởi người ta nghĩ, làm sao có thể bán tranh để sống được chứ!
Khi cậu bé người Giáy trở thành sinh viên Đại học Lâm nghiệp, khoa Thiết kế nội thất, nhưng trong Hưng, lửa đam mê vẽ vời chưa bao giờ nguôi. Ngay cả khi học đến năm thứ 2 ở Trường Đại học Lâm nghiệp (tại Chương Mỹ, Hà Nội), Hưng vẫn thường xuyên xem những triển lãm tranh trên mạng. Thậm chí không ít lần, Hưng đã bắt xe bus đi từ Chương Mỹ vào nội thành để xem những triển lãm của các họa sỹ nổi tiếng.
“Em thèm vẽ lắm. Cứ mỗi lần xem tranh, thôi thúc được cầm cọ, nghịch màu như ngày xưa thơ bé lại trỗi dậy. Nhưng em biết là sẽ chẳng ai ủng hộ mình cả. Gia đình đã từng phản đối không cho em theo học mỹ thuật mà. Em buồn lắm”, Hưng kể lại chuyện trước kia.
Nhưng sau nhiều lần mâu thuẫn với chính mình, Hưng quyết định bỏ dở học lâm nghiệp để thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Dù đã lường trước phản ứng của gia đình, bạn bè, nhưng Hưng vẫn bị bất ngờ khi bị bố mẹ cắt “viện trợ”. Hưng không trách, mà thương và thông cảm với bố mẹ nhiều hơn. Thế nên, nghỉ hè năm ấy, cậu đã về quê đi bốc vác để kiếm tiền đi học, lúc học ở Hà Nội, thì Hưng tranh thủ đi phục vụ bàn trong quán ăn kiếm tiền trang trải học tập.
“Em xoay sở mọi thứ để có tiền đi học vẽ. Em còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, bởi các bạn theo hội họa đều được đầu tư học tập từ những năm PTTH, trong khi em bắt đầu từ con số 0. Dù vất vả, nhưng em lại thấy rất hạnh phúc. Bởi em đang được đi trên con đường chính mình chọn, được vẽ cuộc đời của mình. Em tin đó là bức tranh màu sáng”, Hưng chia sẻ.
Quả thật, thành tích học tập là câu trả lời thuyết phục nhất cho nỗ lực của Hưng. Năm thứ 2 Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Vàng Hải Hưng nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vì “Đã có thành tích tốt trong học tập và rèn luyện trong năm 2015 và 2016”.
Đồng thời, Hưng vinh dự là 1 trong 10 học sinh, sinh viên, vận động viên người DTTS xuất sắc, tiêu biểu được gặp mặt Phó Chủ tịch nước tại Phủ Chủ tịch năm 2016, trong khuôn khổ Hội nghị Giao lưu học sinh, sinh viên, vận động viên tiêu biểu DTTS các cơ sở đào tạo do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Một phong cách riêng đang lộ diện
Dù có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng họa sỹ Vàng Hải Hưng đã tham gia nhiều triển lãm có uy tín, như: Mỹ thuật khu vực 3 Tây Bắc - Việt Bắc tại Lào Cai năm 2018; họa sĩ trẻ “How much is it” tại Hà Nội năm 2018; triển lãm sinh viên năm 2020; triển lãm “Mời bạn vào” năm 2020; Festival Mỹ thuật Trẻ năm 2020; triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2020 và gần đây nhất là triển lãm “Bạn đang nghịch gì?” ở Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom...
Mới đây, sản phẩm của Hưng tham gia vẽ tranh cổ động về việc ăn uống lành mạnh do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tại Việt Nam và Viện Dinh dưỡng tổ chức đã được treo trang trọng tại trụ sở Liên hợp quốc tại Hà Nội.
Tranh của Vàng Hải Hưng để lại cho người xem nhiều suy ngẫm, day dứt, bởi những vấn đề xã hội. Ví như bức “Chi chi chành chành” giành giải Nhất cuộc thi - triển lãm Mỹ thuật sinh viên năm 2020 là một minh chứng cho phong cách nghệ thuật của cậu với lối vẽ ẩn dụ. Quan sát và cảm nhận bức tranh có thể thấy, Hưng đã sử dụng gam màu trầm và trung tính, thể hiện được một không khí và những biến hóa đa hình, thầm kín của một vùng biên cương nơi Hưng sống.
Lấy cảm hứng từ góc nhìn và trải nghiệm của bản thân, khi nhìn những thùng hàng sắp được cõng qua biên giới, Hưng đặt chính suy nghĩ và nội tâm của mình vào trong tác phẩm. Tranh được sắp đặt bố cục cho thấy rõ sự tương phản đối lập giữa một khối lớn những thùng, hộp carton đang phủ bạt, được xếp chèn nén lên nhau tạo cảm giác bí bách, ngột ngạt, cứng nhắc.
Đối lập với đó là hình ảnh uyển chuyển mềm mại nhỏ bé của những em học sinh đang nhìn ngắm một cách hồn nhiên. Nhưng cả hai sự đối lập đó vẫn giao hòa với nhau, tạo cho người xem một không khí phức tạp, đa chiều, khiến người xem phải suy ngẫm về cuộc sống của đồng bào DTTS nơi biên giới.
Hay bức tranh “Ngày trở về”, Hưng vẽ người đàn ông ly hương quay trở về quê, hai tay ôm mặt, ẩn dụ gợi lên những bẽ bàng, bế tắc cuộc sống vẫn chưa thể được giải quyết. “Em nghĩ rằng, hội họa là hơi thở cuộc sống, tác phẩm phải vừa phản ánh mặt tích cực nhưng cũng phải lên án cái chưa tốt để ta tìm ra lối đi, hướng đến những điều tích cực, tốt đẹp hơn. Họa sỹ là người phơi mặt ra với đời”, Hưng nói.
Hưng chia sẻ, em mới tốt nghiệp năm 2020, cuộc sống hiện tại đã ổn hơn trước rất nhiều khi em có thể sống tốt khi vẽ tranh. Gia đình, bạn bè giờ đã hiểu và công nhận đam mê, nỗ lực của em. “Em mong muốn với đôi tay và trái tim của mình, sáng tác thêm nhiều tác phẩm có ích cho cộng đồng dân tộc Giáy nói riêng và nền nghệ thuật nước nhà nói chung”, Hưng bày tỏ.