Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Hỗ trợ nước sinh hoạt theo Chương trình MTQG 1719 tại Nghệ An: Nhu cầu thực tế còn rất lớn

An Yên - 09:16, 12/07/2023

Nhiều hộ dân là người DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi, vùng cao tỉnh Nghệ An đang rất trông chờ được đầu tư cấp nước sinh hoạt phân tán theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719). Hiện nay, kinh phí hỗ trợ, chỉ tiêu số hộ thực hiện của năm 2022 và 2023 đang được triển khai… nhưng so với nhu cầu thực tế thì chưa thấm vào đâu.

Nhiều công trình nước tự chảy tại các huyện miền núi Nghệ An vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, để nước chảy tràn lan gây lãng phí
Nhiều công trình nước tự chảy tại các huyện miền núi Nghệ An vẫn chưa được sử dụng tiết kiệm, để nước chảy tràn lan gây lãng phí

Thực hiện Dự án 1, Chương trình MTQG 1719, Nghệ An đã ban hành Kế hoạch 171 ngày 11/3/2022, giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, với mục tiêu 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Theo đó, nội dung hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán theo Dự án 1, với định mức là 3 triệu đồng/ hộ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình.

Tại huyện Kỳ Sơn, theo khảo sát, thì nhu cầu của người dân thực hiện nội dung nước sạch phân tán là rất nhiều. Năm 2022, toàn huyện có 881 hộ và năm 2023 có đến 3.375 hộ có nhu cầu. Tuy nhiên, căn cứ theo chỉ tiêu, định mức thì năm 2022 chỉ có 322 hộ được hỗ trợ, còn năm 2023 đang triển khai. Ông Phạm Văn Hòa - Phó phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn cho biết: Thực tế khảo sát của huyện là rất nhiều. Người dân Kỳ Sơn rất mong chờ được hỗ trợ theo nội dung nước sạch phân tán.

Nước sinh hoạt đang là nỗi lo của nhiều hộ dân nơi các bản làng vùng cao xứ Nghệ
Nước sinh hoạt đang là nỗi lo của nhiều hộ dân nơi các bản làng vùng cao xứ Nghệ

Ở huyện Quỳ Châu, qua khảo sát, toàn huyện có 2.689 hộ có nhu cầu hỗ trợ nước sinh hoạt. Hiện nay, huyện đã thực hiện hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (hỗ trợ vật dụng đựng nước, đào giếng, xây bể) cho 184 hộ dân trên địa bàn 4 xã Châu Hạnh, Châu Hội, Châu Thuận, Châu Hoàn thuộc vốn kế hoạch năm 2022 từ ngân sách Trung ương. 

Đối với vốn kế hoạch năm 2022, từ ngân sách tỉnh, huyện đang chỉ đạo xã Châu Hạnh rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ (theo thống kê là 18 hộ nghèo). Còn nguồn vốn kế hoạch năm 2023, huyện đang xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện.

Những đứa trẻ vùng cao Nghệ An phụ gia đình lấy nước về dùng
Những đứa trẻ vùng cao Nghệ An phụ gia đình lấy nước về dùng

Huyện 30a Tương Dương, năm 2022 đã phê duyệt danh sách 87 hộ được hỗ trợ công trình nước sạch phân tán tại các xã Lượng Minh, Lưu Kiền, Yên Na, Yên Thắng, Xá Lượng, Thạch Giám, Tam Hợp, Tam Quang, Tam Đình, Tam Thái. Năm 2023, huyện đang đề nghị các xã, khảo sát lại những hộ không làm được công trình nước tập trung, để triển khai xây dựng hệ thống nước sạch phân tán theo kế hoạch được phê duyệt là 480 hộ.

Theo ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tương Dương, huyện đã chỉ đạo các xã tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cụ thể, chính xác các đối tượng được hỗ trợ. Ông Kha nhấn mạnh: Nhu cầu nước sinh hoạt của người dân là rất nhiều và mang tính cấp bách, nhiều hộ dân nghèo rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt thường xuyên do hạn hán.

Nhiều vùng ở miền núi Nghệ An
Hiện nay, nhiều địa phương ở khu vực miền núi Nghệ An vẫn còn thiếu nước sinh hoạt đến nửa năm. ( Trong ảnh: Công trình nước tập trung giải quyết phần nào khó khăn của các hộ dân)

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, về nội dung 4, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ nước sinh hoạt có tổng số nguồn giao theo kế hoạch năm 2022 - 2023 là 81,327 tỷ đồng và thực tế đã phân bổ đạt 100% kế hoạch. Năm 2023, các địa phương đang khẩn trương rà soát các đối tượng để phân khai nguồn hỗ trợ.

Hộ DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vốn đã có cuộc sống vất vả. Cùng với thiếu nhà ở, thiếu đất sản xuất… thì việc thiếu nước cũng đang đẩy người dân thêm khốn khổ hơn. Hy vọng, cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nội dung 4, Dự án 1, Chương trình MTQG 1719 hỗ trợ nước sinh hoạt sớm được triển khai nhanh chóng để vơi đi phần nào những khó khăn, cũng như cải thiện chất lượng sống của người dân xứ Nghệ.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.