Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bà Rịa - Vũng Tàu: Quyết tâm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cho vùng DTTS

Lê Vũ - 00:20, 19/06/2023

Những năm qua, việc đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn gần 12% hộ dân tại vùng nông thôn, vùng DTTS vẫn chưa được sử dụng nước sạch với nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Chính quyền địa phương đặt ra mục tiêu đến năm 2030 sẽ giảm tỷ lệ xuống còn 1%.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quyết tâm dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cho vùng nông thôn và DTTS.
Nhiều bà con đồng bào DTTS tại khu vực ấp Bình An đang chia sẻ với PV về thực trạng chưa có đất ở hợp pháp, chưa có điện và nước sạch sinh hoạt

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện nay tỷ lệ hộ dân nông thôn trên toàn tỉnh sử dụng nước sạch theo quy chuẩn QCVN01-1:2018/BYT của Bộ Y tế đã được nâng cao đáng kể. Từ con số 5% khi thành lập tỉnh (1991) đến nay đã có hơn 107.000 hộ dân vùng nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tỷ lệ 88,2%. Chỉ còn 11,8% hộ dân vùng nông thôn chưa sử dụng nước sạch, chủ yếu là người dân ở khu vực quá sâu xa mà chỉ có một vài hộ dân sinh sống, một số hộ dân khác chưa dùng do vẫn giữ thói quen sử dụng nước giếng.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay không chỉ ở những vùng “quá sâu, quá xa” mà ngay cả những khu vực địa phương đang đầu tư phát triển du lịch, phát triển các dự án bất động sản hoành tráng thì tình trạng người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS “khao khát” nước sạch sinh hoạt vẫn còn đang khá “nhức nhối”, bởi nhiều nguyên nhân.

Đơn cử như khu vực ấp Bình An, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay mấy chục hộ dân trên địa bàn vẫn chưa có hệ thống nước sạch để sinh hoạt, mặc dù “ngay kế bên nhà” là những dãy Resot, biệt thự nghỉ dưỡng nhiều tiện nghi. Ông Kiên Vui - Người có uy tín trong đồng bào DTTS tại đây, đại diện cho gần 30 hộ gia đình với hơn 100 nhân khẩu cho biết: "Nước sinh hoạt từ lâu nay đều do bà con tự chủ động. Ngày trước thì phải hứng nước mưa để dùng dần, hoặc đi mua nước về dự trữ, sau này thì chung nhau nhờ đất của người dân phía ngoài lộ để đào giếng bơm và kéo vào xài cho đến tận hôm nay (mạch nước phía trong khu vực các hộ dân bị nhiễm mặn do gần sát biển)”.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quyết tâm dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cho vùng nông thôn và DTTS. 1
Thời gian qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có nhiều công trình, dự án đầu tư về nước sạch cho vùng nông thôn, tuy nhiên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm nhiều tồn đọng

Về việc này, Phòng Dân tộc huyện Xuyên Mộc đã từng có khảo sát từ nhiều năm về trước và cũng từng báo cáo với UBND huyện và Ban Dân tộc tỉnh. Nguyên nhân bởi vì các hộ dân này không có đất ở hợp pháp, nên không thể hỗ trợ nhà vệ sinh, điện, nước. Thực chất là đất của các hộ dân sinh sống đã lâu năm, nhưng sau đó địa phương lại giao cho một doanh nghiệp làm dự án. Tuy nhiên, đến nay do không đạt được thỏa thuận với nhiều hộ dân, nên dự án chỉ triển khai ở các khu vực xung quanh. Nhưng không hiểu vì sao đến nay, các hộ dân tại đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. PV đã từng liên hệ nhiều lần với UBND huyện Xuyên Mộc để tìm hiểu về vấn đề này, nhưng lãnh đạo địa phương đều bận đi học và đi họp (!?).

Đây chỉ là một trường hợp đơn cử đặc biệt mà chúng tôi ghi nhận được. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn còn khá nhiều khu vực tương tự. Vì đa số đồng bào nông thôn vùng sâu vùng xa, đồng bào DTTS đều có lịch sử sinh sống, canh tác lâu năm, tuy nhiên do hạn chế về kiến thức pháp luật, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến đất đai, quy hoạch, nên vô hình chung rơi vào câu chuyện vòng xoay của việc triển khai các chính sách không đồng bộ tại các cơ sở.

Cũng theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, từ thực trạng đó, năm 2021, Trung tâm đã thực hiện dự án “Xây dựng các tuyến ống cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS và vùng có điều kiện kinh tế khó khăn”. Từ đó thêm nhiều hộ dân thuộc các đối tượng trên địa bàn huyện Xuyên Mộc được tiếp cận nước sạch hợp vệ sinh. 

Cuối năm 2022, dự án “Mở rộng xây dựng các tuyến ống cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào DTTS, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn” với chiều dài toàn tuyến ống là 55.170 m đi qua 2 huyện Châu Đức và Xuyên Mộc có tổng mức đầu tư 20,240 tỷ đồng hoàn thành, tiếp tục đáp ứng thêm cho 890 hộ.

Bà Rịa – Vũng Tàu: Quyết tâm dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cho vùng nông thôn và DTTS. 2
Các công nhân đang vận hành trong một nhà máy nước sạch

Mặc khác, tháng 8/2022, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã ban hành Quyết định số 2358/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại kế hoạch này, Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030, 99% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn 100 lít/người/ngày; 25% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 15% nước thải sinh hoạt được xử lý; 75% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Đến năm 2045, phấn đấu 100% hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch và vệ sinh an toàn, bền vững; 50% điểm dân cư nông thôn tập trung có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, 30% nước thải sinh hoạt được xử lý; 100% hộ chăn nuôi, trang trại được xử lý chất thải chăn nuôi.

Hy vọng với những quyết tâm trên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ sớm giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sạch cho vùng nông thôn và DTTS. Tuy nhiên bên cạnh đó, nhiều cử tri cho rằng ngoài việc tập trung đầu tư hạ tầng, chú trọng vào các dự án, tỉnh cũng cần quan tâm, gỡ khó các vấn đề liên quan đến quy trình, chính sách chồng chéo… có như vậy thì người dân nghèo vùng nông thôn, đồng bào DTTS mới thực sự là đối tượng thụ hưởng của những công trình, dự án đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.