Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Sống bên công trình nước sạch vẫn khát nước

PV - 10:59, 10/09/2018

Nhiều công trình nước tự chảy trên địa bàn huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) qua thời gian đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Tình trạng này kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Mặc dù địa phương đã bố trí kinh phí để khắc phục, nhưng vì nhiều công trình hư hỏng, kinh phí hạn chế nên vẫn chưa thể khắc phục hết.

công trình nước sạch Một công trình nước sạch tự chảy tại Khánh Sơn vừa được sửa chữa.

Theo phản ánh của người dân xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, trên địa bàn xã có nhiều công trình nước tự chảy nhưng người dân thường xuyên “khát” nước. Nguyên nhân là do những công trình này được đầu tư khá lâu nên đã xuống cấp, nhiều lần sửa chữa vẫn không thể sử dụng được.

Ông Cao Liên, người dân thôn Kô Lắk, xã Sơn Bình cho biết: “Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương được lấy từ hệ thống nước sinh hoạt tự chảy thôn Kô Lắk, nhưng cứ sau một trận mưa lũ thì lại mất nước. Vì thế, người dân phải xuống sông, suối gần nhà để lấy nước về dùng”.

Người dân tại các thôn xóm Cỏ, Liên Hòa (xã Sơn Bình) cũng bức xúc vì không có nước sinh hoạt. Ông Cao Văn Ích, ở xóm Liên Hòa cho hay, trước đây người dân sử dụng nước sinh hoạt từ 2 công trình cấp nước tập trung được đầu tư từ năm 2005, nhưng đến nay, do công trình bị hư hỏng nên nước lúc có, lúc không.

Theo UBND xã Sơn Bình, nguyên nhân dẫn đến việc các công trình nước tự chảy nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng là do địa hình phức tạp, hệ thống đường ống dẫn nước đi qua nhiều đồi, núi, sông suối; thường xuyên bị đứt gãy vì sạt lở đất hoặc nước lũ trong mùa mưa.

Báo cáo của UBND huyện Khánh Sơn cho thấy, còn 6 công trình cấp nước tự chảy trên địa bàn cần khắc phục, khoảng 15% dân số trên địa bàn chưa được sử dụng nước hợp vệ sinh. Việc nhiều công trình cấp nước hư hỏng ngoài nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân do việc quản lý, vận hành còn nhiều bất cập. Một số xã đã thành lập ban quản lý công trình nước, nhưng việc quản lý còn lúng túng, thiếu chuyên môn, trong khi ý thức bảo vệ công trình của người dân chưa cao; khi công trình xảy ra hư hỏng, cấp xã không có kinh phí để khắc phục nên ảnh hưởng đến tuổi thọ cũng như khả năng cấp nước của công trình…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Khánh Sơn cho biết: Chủ trương của huyện giai đoạn 2015-2020 là đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây dựng, mở rộng mạng lưới cấp nước của các công trình cấp nước tập trung; công trình nào hư hỏng nặng, cấp thiết sẽ được ưu tiên sửa chữa, khắc phục trước.

Đối với một số khu vực ít dân cư, nguồn nước hạn chế, ở địa hình cao, huyện bố trí kinh phí để khoan giếng và trang bị hệ thống lọc nước. 2 năm qua, UBND huyện đã bố trí hơn 16,5 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới và nâng cấp sửa chữa các công trình cấp nước cho người dân. Gần đây nhất là, 3 công trình hệ thống cấp nước ở 3 xã: Thành Sơn, Ba Cụm Bắc và Sơn Hiệp được đầu tư duy tu sửa chữa, nhờ đó đã đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân các địa phương.

Để các công trình nước phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, huyện Khánh Sơn cần hướng dẫn cụ thể quy định về thành lập ban quản lý và xây dựng phương án quản lý công trình nước đối với cấp xã; rà soát đánh giá hiệu quả đầu tư, hiệu quả sử dụng từng công trình để có giải pháp khắc phục; ưu tiên đầu tư nâng cấp, cải tạo và sửa chữa, khắc phục các công trình cũ, xuống cấp để nâng cao hiệu quả sử dụng, góp phần đảm bảo nguồn nước phục vụ dân sinh…

“Bên cạnh đó, cần tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ các công trình đầu tư trên địa bàn”, ông Hiếu cho biết thêm.

PHƯƠNG LÊ

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.