Nhiều khó khăn về nguồn nước
Qua rà soát, nguồn tài nguyên nước mặt, mỗi năm tỉnh Quảng Ninh có khoảng 8.146 triệu m3 nước, nguồn nước ngầm có thể khai thác tới 617 triệu m3/năm, tương đương 1,6 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, nguồn nước của tỉnh đang sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, rừng thoái hóa cũng làm giảm khả năng điều hòa nguồn nước.
Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để, cũng làm suy giảm chất lượng, trữ lượng nguồn nước.
Chia sẻ với phóng viên Báo Dân tộc và phát triển, bà Chìu Mản Múi, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên cho biết, vào mùa khô, nước ít, các hộ phải tích vào chum, nồi để nấu ăn, còn nước tắm giặt và các sinh hoạt khác phải bơm trực tiếp từ suối chưa qua xử lý. “Chúng tôi rất mong Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu hệ thống nước tự chảy để có nguồn nước ổn định và đảm bảo vệ sinh hơn”, bà Múi đề xuất
Mặc dù thời gian qua, huyện Tiên Yên đã triển khai đầu tư xây dựng hệ thống nước tự chảy có chiều dài cả 2 tuyến, là hơn 12 km cho bà con thôn Đồng Mộc, xã Đông Ngũ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hệ thống này không đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của người dân. Không chỉ xã Đông Ngũ, một số công trình nước tự chảy khác trên địa bàn huyện cũng trong tình trạng tương tự.
Xã Tân Dân là xã vùng cao của Tp. Hạ Long, với trên 90% dân số là đồng bào DTTS, nhiều năm qua, người dân vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ các bể chứa, từ khe, suối, nên chất lượng nước khó bảo đảm. Ông Hồ Ngọc Thủy - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dù trên địa bàn xã có nhiều suối, khe, nhưng vào mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, nên ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn”.
Kỳ vọng từ Chương trình MTQG 1719
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, Quảng Ninh đang tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tốt nguồn nước, cũng như giữ rừng tại các khu vực rừng đầu nguồn...
Ba Chẽ là huyện miền núi với số lượng lớn đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Để nâng cao đời sống Nhân dân, năm nay, huyện phấn đấu đưa tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ 68% lên 72% và 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Tại Tp. Hạ Long, địa phương đang nghiên cứu chủ trương đầu tư hệ thống cấp nước sạch tập trung cho các xã miền núi như Đồng Sơn, Kỳ Thượng, Đồng Lâm... với các hạng mục chính, như đập tràn lấy nước, khu xử lý và cấp nước sạch, hệ thống điện và hệ thống đường ống cấp nước thô; bảo đảm đủ về lưu lượng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.
Theo đó, các hệ thống cấp nước này có công suất 500 m3/ngày đêm cho xã Đồng Sơn; 200 m3/ngày đêm cho xã Kỳ Thượng; 661 m3/ngày đêm cho xã Đồng Lâm... Tổng mức đầu tư khái toán gần 190 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cho biết, hiện Công ty đang tập trung thực hiện phát triển các tuyến ống dịch vụ để tập trung phát triển khách hàng; đặc biệt tập trung mở rộng cấp nước sang khu vực ven đô thị, nông thôn, nhất là các khu vực khó khăn về nguồn nước tại các xã vùng cao.
Ông Ngọc Thái Hoàng, - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh luôn xác định nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống Nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án "Bảo đảm an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Quảng Ninh xây dựng thời gian qua, nhằm nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch đạt trên 70% trong năm 2023.