Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Về huyện miền núi An Lão, rong ruổi trên những con đường bê tông thẳng tắp đến các thôn làng vùng sâu, chúng tôi không thể không ngạc nhiên khi nhìn thấy những căn nhà được xây dựng khang trang, bề thế xung quanh là vườn cây trái xanh mướt. Theo ông Phạm Minh Tâm, Trưởng Phòng Dân tộc huyện An Lão, toàn huyện có 3.334 hộ đồng bào DTTS, chủ yếu là đồng bào Ba Na và Hrê, với 12.196 nhân khẩu. Thu nhập bình quân của đồng bào DTTS ở An Lão hiện đạt 24 triệu đồng/người/năm. Không chỉ đời sống vật chất được cải thiện, đời sống tinh thần của bà con trong những năm gần đây cũng có những đổi thay tích cực.
An Vinh là một trong những xã nghèo của huyện An Lão, với 98% dân số là người dân tộc Hrê. Từ cuối năm 2022 đến nay, nhờ thực hiện hiệu quả nguồn vốn thuộc Nội dung số 1 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719), UBND xã đã hỗ trợ bò, lợn đen giống, tạo sinh kế cho nhiều gia đình.
Gia đình anh Đinh Văn Nên (SN 1994, ở thôn 7) thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2023, anh được hỗ trợ 3 con lợn đen trị giá 10 triệu đồng. Sau gần 8 tháng chăn nuôi, đàn lợn đã sinh sản được lứa đầu với 11 lợn con. Chỉ sau thời gian ngắn, gia đình anh đã bán lợn giống và có lãi khoảng 15 triệu đồng.
Anh Nên cho hay: Hiện tại, gia đình tôi đang gây đàn mới với 8 con lợn đen. Nếu nuôi bài bản, cho ăn đầy đủ thì 1 năm lợn đẻ khoảng 2 lứa, gia đình tôi sẽ có thêm một khoản thu nhập khá, có tiền chăm lo cho các con đi học và xoay vòng vốn mới để tái đàn và nhân đàn.
Gia đình anh Đinh Văn Khuya ở thôn 4, xã An Dũng có 4 nhân khẩu, có 2 con nhỏ thì một cháu bị khiếm thính bẩm sinh. Những năm trước đây, cuộc sống của gia đình anh rất khó khăn, có rừng nhưng lại thiếu vốn để sản xuất. Năm 2018, anh Khuya mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăm sóc và mở rộng 4ha rẫy keo.
Sau 5 năm, gia đình anh thu hoạch keo một lần. Có vốn để quay vòng, anh tiếp tục đầu tư mua 1 chiếc máy cày để sạ, cày thuê cho người dân; mở tiệm tạp hóa nhỏ để buôn bán hằng ngày. Nhờ biết cách làm ăn, mỗi năm, gia đình anh thu nhập gần 80 triệu đồng, trả hết nợ ngân hàng, mua sắm thêm nhiều vật dụng, phương tiện phục vụ cuộc sống.
Xóa bỏ tư tưởng không muốn thoát nghèo
Trong giai đoạn từ năm 2021-2024, huyện An Lão được Trung ương, tỉnh phân bổ gần 200 tỷ đồng từ Chương trình MTQG 1719 và giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn này, huyện đã đầu tư các công trình để hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối liên xã, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, hạ tầng nông thôn của huyện ngày càng được hoàn thiện, diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, khang trang.
Ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: Từ năm 2022 - 2023, thực hiện Nội dung số 1 về hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Tiểu dự án 2, Dự án 3, Chương trình MTQG 1719), UBND huyện đã phân bổ cho các xã, thị trấn gần 6,1 tỷ đồng để mua, hỗ trợ người dân 35 con trâu, bò giống, gần 800 con heo sinh sản, 4.700 con gà thả vườn, 800 cây giống ăn quả... Từ đó, các địa phương đã triển khai 80 dự án, mô hình cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho 1.000 hộ có điều kiện phát triển sản xuất, tiến tới thoát nghèo.
Theo kế hoạch giai đoạn từ năm 2024-2025, huyện An Lão đặt mục tiêu giảm hộ nghèo đa chiều, bền vững; hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia... Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn dưới 6%.
Bên cạnh đó, xác định được một số nguyên nhân khiến người dân không thể thoát nghèo là do không có đất sản xuất, không có vốn sản xuất, kinh doanh hoặc không có lao động, do đó, trong giai đoạn từ năm 2024-2025, huyện An Lão sẽ bố trí đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo (xã An Vinh 374 hộ và An Toàn 5 hộ) trên tổng số 402 hộ thiếu đất, còn lại 23 hộ ở các xã sẽ hỗ trợ chuyển đổi nghề và thực hiện hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất. Tổ chức giới thiệu việc làm qua các phiên tư vấn việc làm lưu động cho 586 lao động với một số ngành nghề chủ yếu như, may mặc, lái xe, nghề điện, phục vụ nhà hàng, sửa chữa xe máy...
Theo ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, dù công tác giảm nghèo đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong những năm qua; tuy nhiên, nhìn chung, đời sống của bà con huyện An Lão còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao. Nhưng cái được lớn nhất, là đã xoá bỏ được tâm lý không muốn thoát nghèo của bà con. Đồng bào DTTS không còn tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà đã tự thân vận động, quyết tâm làm ăn để vươn lên thoát nghèo và tiến tới làm giàu.
“Thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của các Chương trình MTQG; tập trung nguồn lực, đầu tư có hiệu quả các công trình, dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS; chú trọng chuyển đổi nghề, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống người dân; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để cố gắng xóa dần khoảng cách với các địa phương khác...”, ông Lâm chia sẻ thêm.