Huyện An Lão là địa phương có nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài những lợi thế về tự nhiên, An Lão còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc, là nơi sinh sống của 3 dân tộc chính: Kinh, Hrê và Ba Na. Mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng.
Lễ hội năm nay có sự tham gia của hàng chục nghệ nhân, nghệ sĩ đến từ 10 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các hoạt động văn hóa diễn ra sôi nổi như hội thi biểu diễn cồng chiêng; múa hát dân vũ; trình diễn một số trích đoạn nghi lễ của đồng bào. Bên cạnh đó, các hoạt động thể thao như đá bóng, đẩy gậy, kéo co… vừa góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, vừa khơi gợi ý thức tập luyện đến từ các vận động viên tham gia.
Tại Lễ hội còn có Hội chợ nông sản vùng cao, trưng bày, giới thiệu, đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong thời gian qua, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đã nỗ lực tập luyện để mang đến cho Lễ hội các hoạt động văn hóa, thi đấu thể thao hấp dẫn.
Ông Đinh Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, cho biết: Thông qua Lễ hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện được khôi phục, bảo tồn, phát huy và nâng cao ở nhiều lĩnh vực như: Các lễ hội dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, phong tục tập quán, cùng với những hoạt động VHTT&DL.
Qua đó, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, khích lệ sáng tạo những giá trị văn hóa mới, phát huy vai trò của nhân dân trong xây dựng và phát triển đời sống văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trên quê hương An Lão anh hùng.
“Đây cũng là dịp để địa phương tiếp tục giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, tài nguyên và sản phẩm du lịch của huyện tới bạn bè, du khách trong và ngoài huyện; sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX”, ông Phú chia sẻ thêm.