Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Bình Định: Chương trình MTQG tạo chuyển biến tích cực trong đời sống vùng đồng bào DTTS và miền núi

T.Nhân-H.Trường - 09:59, 24/10/2024

Những năm qua, vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Bình Định được thụ hưởng nhiều chương trình, chính sách dân tộc. Nhờ đó, đời sống của bà con được nâng lên, cơ sở hạ tầng được đầu tư bài bản, đồng bộ. Đặc là từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương đã tăng cường giải ngân nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa nhà tạm, dột nát… giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội.

Nhờ sự quan tâm đầu tư, vùng đồng bào DTTS và miền núi Bình Định đã bước sang trang mới
Nhờ sự quan tâm đầu tư, vùng đồng bào DTTS và miền núi Bình Định đã bước sang trang mới

Đầu tư cơ sở hạ tầng ở những vùng khó khăn

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã đầu tư hơn 600 công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của Nhân dân vùng đồng bào DTTS, với tổng kinh phí trên 1.172 tỷ đồng từ nguồn vốn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của Trung ương và địa phương. Những công trình được đầu tư tập trung ở vùng đặc biệt khó khăn đã cơ bản giải quyết được nhu cầu bức thiết của người dân.

Trong năm 2023 các địa phương đã tập trung xây dựng mới 3 hệ thống nước sạch tự chảy tại các huyện Vân Canh, Hoài Ân, An Lão; hỗ trợ nhà ở cho 68 hộ nghèo và chuyển đổi nghề cho 679 người; đầu tư xây dựng 4 khu tái định canh, định cư tại huyện An Lão, Hoài Ân, Vĩnh Thạnh; triển khai thực hiện đầu tư mới 36 công trình dân sinh; tổ chức 26 lớp đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp cho 980 người tại huyện Vĩnh Thạnh, An Lão…

Những năm trước đây tuyến đường vào làng Canh Giao (xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh) chưa được xây dựng, nhiều đoạn đường bị xuống cấp, hư hỏng nặng, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Cuối năm 2023, từ nguồn vốn của Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, UBND huyện Vân Canh đã hỗ trợ nguồn kinh phí gần 3,9 tỷ đồng xây dựng đồng bộ tuyến đường bê tông từ làng Canh Giao - thôn 7 (xã Đa Lộc), với tổng chiều dài 636 mét, bề rộng mặt đường 5 mét. Từ ngày có đường, các phương tiện vận tải đã vào tận cuối làng để thu mua nông sản, mở ra một tương lai mới cho người dân nơi đây.

Ông Đinh Văn Phít (dân tộc Chăm, ở làng Canh Giao) cho biết: Trước đây, tuyến đường này nhiều đoạn vẫn còn là đường đất, vào mùa nắng vẫn có thể đi lại, nhưng mùa mưa người dân phải đi bộ, vì đường lầy lội, trơn trượt. “Bao năm đi lại vất vả, giờ đây được Nhà nước đầu tư xây dựng mới con đường bê tông sạch đẹp, thuận tiện cho người dân giao thương, vận chuyển nông sản, học sinh đến trường, người dân trong làng ai cũng phấn khởi lắm”, ông Phít vui mừng nói.

Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 nhiều tuyến đường ở miền núi Bình Định được đầu tư xây dựng bài bản
Nhờ nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 nhiều tuyến đường ở miền núi Bình Định được đầu tư xây dựng bài bản

Còn tại huyện An Lão, thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, trong giai đoạn 2022 - 2024, huyện An Lão cũng đã tập trung đầu tư 33 công trình các loại, với tổng mức đầu tư gần 59,2 tỷ đồng; riêng giai đoạn 2024 - 2025, huyện sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 23 công trình dân sinh các loại, với nguồn kinh phí trên 40,3 tỷ đồng.

Tại huyện Vĩnh Thạnh cũng đã có hàng chục công trình được đầu tư phục vụ cho đời sống người dân. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Ông Đinh Yôl, làng K2, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh chia sẻ: Được Nhà nước hỗ trợ, đời sống của người dân đã thay đổi đáng kể. Tôi hy vọng các ngành chức năng quan tâm, đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; tăng cường hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các mô hình hiệu quả; hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con; giải quyết nhu cầu tạo việc làm; quan tâm hơn đến công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân vùng cao.

Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Định được định cư trong ngôi nhà mới khang trang
Nhiều hộ đồng bào DTTS ở Bình Định được định cư trong ngôi nhà mới khang trang

Nỗ lực để người dân được an cư

Bên cạnh xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, các địa phương miền núi trong tỉnh Bình Định còn tập trung giải ngân nguồn vốn Dự án 1 (Chương trình MTQG 1719), nhằm hỗ trợ cho hộ nghèo có điều kiện xây dựng mới nhà ở, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Chị Đinh Thị Mét (dân tộc Bana, ở thôn T2, xã Bok Tới, huyện Hoài Ân) cho biết: Trước đây, cả gia đình chị phải sinh sống trong căn nhà sàn chật hẹp, xuống cấp từ lâu. Mỗi năm, cứ vào mùa mưa bão gia đình lại sống trong nỗi bất an, nơm nớp lo sợ. Mới đây, gia đình chị được địa phương hỗ trợ 50 triệu đồng từ Dự án 1 và vay thêm 40 triệu đồng từ nguồn chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 28/NĐ-CP của Chính phủ, gia đình đã xây dựng ngôi nhà mới có diện tích gần 40 mét vuông.

“Tôi chưa khi nào dám nghĩ có ngày sẽ được ở trong căn nhà khang trang như thế này. Mọi người trong gia đình ai cũng phấn khởi và biết ơn Đảng, Nhà nước nhiều lắm. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng xây được căn nhà mới vững chãi rồi, gia đình tôi càng có động lực làm ăn, phát triển kinh tế, nuôi con ăn học đàng hoàng”, chị Mét chia sẻ thêm.

Còn chị Đinh Thị Tuông (dân tộc Ba Na, ở làng Tà Điệk, xã Vĩnh Hảo) là một trong những hộ được hỗ trợ xây dựng nhà ở, vui mừng cho hay: Trước đây chưa làm nhà, cuộc sống gia đình rất khó khăn. Tháng 7/2023, được sự quan tâm của chính quyền đã hỗ trợ gia đình 50 triệu đồng xây nhà mới, gia đình đã có chỗ ở ổn định, tập trung phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi Bình Định được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân
Hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi Bình Định được quan tâm đầu tư, đáp ứng nhu cầu của người dân

Theo ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, mục tiêu tỉnh đặt ra trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm từ 3% - 4%; giữ vững 100% xã có đường ô tô được nhựa, bê tông hóa đến trung tâm xã; trên 95% đường ở thôn được bê tông hóa, cứng hóa; giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ DTTS hộ nghèo… Để đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai làm việc với Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang

Đoàn công tác tỉnh Lào Cai do ông Lý Seo Vảng - Phó Trưởng Ban cùng công chức Ban Dân tộc và đại biểu Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Lào Cai vừa có chuyến công tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.