Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Định: Phát huy vai trò Người có uy tín trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia

T.Nhân - H.Trường - 17:03, 12/10/2024

Thời gian qua, Người có uy tín ở Bình Định đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong trong huy động sức mạnh đoàn kết, cổ vũ người dân tham gia thực hiện thành công các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719).

Người có uy tín ở Bình Định luôn đồng hành với chính quyền địa phương vận động bà con tuân thủ các quy định của pháp luật, phát triển kinh tế và giữ gìn văn hoá truyền thống
Người có uy tín ở Bình Định luôn đồng hành với chính quyền địa phương vận động bà con tuân thủ các quy định của pháp luật, phát triển kinh tế và giữ gìn văn hoá truyền thống

Tạo sự đồng thuận trong Nhân dân

Nhiều năm qua, ông Thanh Kim Lĩnh 70 tuổi, dân tộc Chăm, Người có uy tín làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh luôn chủ động phát huy vai trò của mình trong những công việc chung của làng, xã. Đặc biệt, ông luôn đồng hành cùng cấp ủy đảng, chính quyền vận động người dân thực hiện hiệu quả các tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.

Đơn cử việc vận động người dân hiến đất để thực hiện các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Tuyến đường từ làng Canh Thành dẫn vào khu sản xuất chân đồi Đại Hàn (Suối Beo) lâu nay bị hư hỏng nặng, người dân mỗi khi đi làm vào mùa mưa rất khó khăn. Tháng 2/2024, UBND xã có kế hoạch đổ bê tông hơn 450m đường giao thông vào khu sản xuất, bề rộng mặt đường 3m, với tổng mức đầu tư hơn 815 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG.

"Hiện nay tỉnh Bình Định có 21 xã thực hiện Chương trình MTQG 1719. Những Người có uy tín rất nhiệt tình, tích cực. Khi Ban Dân tộc tỉnh Bình Định cũng như các ngành đi tuyên truyền ở vùng đồng bào DTTS thì Người có uy tín đều có mặt, tiếp thu, tiếp cận được chương trình, nội dung, nhất là trong 10 dự án và các tiểu dự án và nội dung thành phần để tuyên truyền”.

Ông Đinh Văn LungTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định

Từ lúc dự án chưa triển khai, ông Lĩnh cùng với Ban Quản lý, Ban Công tác Mặt trận làng đã tăng cường vận động Nhân dân hiến đất, không phải đền bù. Nhờ đó, 8 hộ dân hiểu chủ trương, tự nguyện hiến 1.584m2 đất, hàng trăm cây trồng các loại để làm đường. 

“Mình phải phân tích để người dân thấy được lợi ích lâu dài về việc xây dựng đường vào khu sản xuất. Đường sá đi lại thuận lợi thì đi làm hay thu hoạch đều thuận lợi, giá bán nông sản cũng cao hơn. Người dân chỉ hiến một phần đất nhỏ nhưng được hưởng lợi nhiều năm. Sau khi suy nghĩ kỹ thì người dân đồng thuận hiến đất để xây dựng đường”, ông Lĩnh chia sẻ.

Còn ông Đinh Ngọc Ước, 60 tuổi, dân tộc Hrê, Người có uy tín thôn 1, xã An Trung là một điển hình trong công tác tuyên truyền phòng, chống tảo hôn. Ông Ước cho hay: Ngoài việc vận động, tôi thường phối hợp với cán bộ xã, thôn kiểm tra việc đăng ký kết hôn, mạnh tay xử lý theo hương ước, lập biên bản các cặp đôi chuẩn bị cưới mà chưa đủ tuổi và báo cáo với chính quyền để can thiệp. Đồng thời, vận động bà con không đến dự đám cưới tảo hôn; nếu cố tình tổ chức đám cưới sẽ bị xử phạt nghiêm. Nhờ vậy, từ năm 2022 đến nay, tại địa phương vấn nạn tảo hôn được đẩy lùi và không còn hôn nhân cận huyết thống.

Ở thôn M6, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh, ông Y Khoa, 69 tuổi, người dân tộc Ba Na được xem là Người có uy tín tích cực vận động bà con đồng lòng tham gia thực hiện Dự án 6 về bảo tồn văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch. Theo ông Y Khoa, với dân làng M6, văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc nên cần gìn giữ và phát huy.

Ông Y Khoa cho biết: Muốn phát huy được văn hóa truyền thống thì các già làng, Người có uy tín phải có trách nhiệm tuyên truyền, vận động thế hệ trẻ. Những người biết phải trực tiếp hướng dẫn người chưa biết nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.

Ông Thanh Kim Lĩnh, dân tộc Chăm, Người có uy tín ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh tích cực vận động bà con hiến đất xây dựng các công trình địa phương
Ông Thanh Kim Lĩnh, dân tộc Chăm, Người có uy tín ở làng Canh Thành, xã Canh Hòa, huyện Vân Canh tích cực vận động bà con hiến đất xây dựng các công trình địa phương

Tiếp tục phát huy vai trò Người có uy tín

Theo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh hiện có 121 Người có uy tín tại 121 thôn, làng, khu phố. Bằng uy tín, kinh nghiệm của mình, những năm qua, đội ngũ Người có uy tín đã có nhiều đóng góp thiết thực, cụ thể trên các mặt công tác, cùng cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương thực hiện thành công Chương trình MTQG 1719.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Canh cho biết: Trên địa bàn huyện có 28 Người có uy tín. Thời gian qua, họ đã vận động người dân đồng thuận hiến đất, cây trồng, giúp các địa phương xây dựng 57 công trình giao thông, 6 công trình thủy lợi, nhà văn hóa. 

“Để động viên, khuyến khích Người có uy tín tiếp tục phát huy vai trò, góp sức trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện sẽ thực hiện đầy đủ các chính sách, kịp thời biểu dương, khen thưởng khi Người có uy tín có thành tích xuất sắc”, ông Việt chia sẻ.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão Đinh Văn Phú cho biết: Vai trò của Người có uy tín rất quan trọng, nên huyện sẽ tăng cường bồi dưỡng, cập nhật thông tin mới về Chương trình MTQG 1719; nâng cao kỹ năng, phương pháp tuyên truyền, thuyết phục Nhân dân cho Người có uy tín. Mặt khác, huyện chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín để tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay thực hiện hiệu quả các dự án, chính sách nhằm từng bước phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.