Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS, MN với CTMTQG

Giải pháp ngăn chặn các xã tái đặc biệt khó khăn ở Thanh Hóa: Linh hoạt thích nghi với hoàn cảnh mới (Bài 2)

Quỳnh Trâm - 19:07, 11/11/2022

Trước những khó khăn còn tồn tại ở các xã miền núi sau khi ra khỏi xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) theo Quyết định 861 của Chính phủ, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực tìm các giải pháp để khắc phục.

Thầy cô và học trò ở khu vực miền núi Thanh Hóa gặp khó khi nhiều chế độ chính sách bị cắt giảm
Thầy cô giáo và học trò ở khu vực miền núi Thanh Hóa gặp khó khi nhiều chế độ chính sách bị cắt giảm

Đề xuất giải pháp hỗ trợ

Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời với mục đích hoạch định, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội cho địa bàn vùng DTTS và miền núi khu vực khó khăn nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng miền. Tuy nhiên, từ sự điều chỉnh chính sách khi thực hiện Quyết định 861 đang tác động đến tư tưởng, đời sống của người dân nghèo vùng núi Thanh Hóa.

Nhằm chủ động tháo gỡ những khó khăn, các sở, ngành tỉnh Thanh Hóa đã tham mưu, đề xuất nhiều giải pháp để tháo gỡ những khó khăn trước mắt. Cụ thể liên quan đến chế độ ăn bán trú của học sinh các xã ra khỏi vùng ĐBKK, ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với Sở GD&ĐT rà soát những học sinh không còn được hưởng chế độ, em nào gặp nhiều khó khăn để có giải pháp hỗ trợ, tránh việc học sinh bỏ học vì không đủ điều kiện đóng tiền bán trú. Quan điểm là, hỗ trợ chứ không thể như chính sách của các em trước đây.

Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp với các ban, ngành trình UBND tỉnh đề án "Hỗ trợ các xã ĐBKK vùng đồng bào DTTS&MN (giai đoạn 2016-2020), không thuộc diện ĐBKK, giai đoạn (2021-2025), phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững”. Trong thời gian chờ chủ trương, các phòng giáo dục, các nhà trường cũng đang cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ.

Thực hiện Quyết định 861, có 79 xã ra khỏi diện ĐBKK, thay đổi về khu vực, dẫn đến nhiều người dân không được cấp thẻ BHYT, đa số là người đồng bào DTTS. Do địa bàn thụ hưởng có sự thay đổi, dẫn đến số người dân được ngân sách nhà nước đóng BHYT tại các địa bàn này có sự thay đổi theo và giảm thẻ BHYT.

Ông Vũ Nguyên Hiệp, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa cho biết: trước năm 2021 tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh là trên 90%, sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời, đã giảm 8,2%, tập trung giảm ở những địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hội Y tế tư nhân Thanh Hóa vận động kinh phí mua hơn 26.000 thẻ BHYT cho hộ gia đình cận nghèo tại 5 huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn
Hội Y tế tư nhân Thanh Hóa vận động kinh phí mua hơn 26.000 thẻ BHYT cho hộ gia đình cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 5 huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn

Từ thực tế này, sau khi rà soát các nhóm đối tượng tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã chủ động kiến nghị và thực hiện một số giải pháp nhằm tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được giao.

Theo đó, BHXH đã đề nghị Ban Dân tộc báo cáo UBND tỉnh và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội kiến nghị Chính phủ xem xét, tiếp tục hỗ trợ kinh phí tham gia BHYT cho những người không được ngân sách Nhà nước đóng BHYT do bị tác động của Quyết định 861/QĐ-TTg; đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT ngoài mức hỗ trợ đóng từ ngân sách Trung ương cho một số nhóm đối tượng.

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh, ngày 27/8/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 304/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quý 4/2022.

“Thời gian tới, BHXHtỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích đến các hộ gia đình và ngườidân chịu tác động trực tiếp của điều chỉnh chính sách. Bên cạnh đó, huy độngcác nguồn lực nhằm hỗ trợ thêm kinh phí cho người DTTS, người sinh sống tạivùng có điều kiện KT-XH khó khăn, ĐBKK thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộchộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp...”, ông Hiệp cho hay.

Nhiều tổ chức đã vận động hỗ trợ bữa ăn bán trú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong ảnh Dự án “Nuôi em Thanh Hóa” hỗ trợ gần 300.000 bữa ăn bán trú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao)
Nhiều tổ chức đã vận động hỗ trợ bữa ăn bán trú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn (trong ảnh Dự án “Nuôi em Thanh Hóa” hỗ trợ gần 300.000 bữa ăn bán trú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao)

Giúp người nghèo tiếp cận vốn vay

Đặc biệt, để tháo gỡ khó khăn cho người dân trong tiếp cận vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế do tác động của Quyết định 861, ông Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trong giai đoạn 2007-2022 Ngân hàng Chính sách xã hội đã cho vay hơn 174.200 lượt khách hàng, với số tiền hơn 4.623 tỷ đồng. Nguồn vốn từ chương trình này đã giúp các hộ phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế đồng đều giữa các vùng, miền trên địa bàn tỉnh góp phần rất lớn trong thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Tuy nhiên, sau khi ra khỏi vùng ĐBKK, những hộ vay vốn sản xuất trước đó sẽ không còn được thụ hưởng các chính sách tín dụng. Do vậy, ngân hàng đã phải rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo phát sinh hàng tháng để làm căn cứ cho vay. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh nguồn vốn từ chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh và thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn không còn thuộc diện được cho vay, chuyển sang các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo quy định hiện hành, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã tiếp tục tăng trưởng.

Ngoài ra, tích cực chủ động tham mưu cho HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bổ sung nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương, chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay chương trình giải quyết việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân.

Ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa cho biết: Theo Quyết định 861 của Chính phủ, nhiều xã miền núi của Thanh Hóa đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn. Đây là sự ghi nhận, động viên của Chính phủ đối với nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, song cũng mang lại những thách thức mới, buộc các xã miền núi phải chủ động, sáng tạo hơn nữa, người dân phải chuyển mình thay đổi tư duy để thích nghi với điều kiện mới.

Theo ông Bình, UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ban hành quyết định về việc giao danh mục và mức vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025. Tỉnh cũng đã chỉ đạo các cấp, ngành triển khai thực hiện quyết liệt. Việc triển khai các tiểu dự án từ Chương trình sẽ trở thành nguồn "trợ lực" quan trọng để tạo điều kiện cho các địa phương vùng đồng bào DTTS, nhất là những xã vừa ra khỏi khó khăn đặc biệt củng cố thành quả và từng bước phát triển bền vững.

"Tuy nhiên, bên cạnh những nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, và sự linh hoạt của địa phương; để thích nghi với hoàn cảnh mới, chính người dân cũng cần chủ động, sáng tạo, nỗ lực để vượt qua khó khăn, tránh ỷ lại vào chính sách", ông Mai Xuân Bình, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa mong muốn.

Tin cùng chuyên mục
Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

“Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã khởi động Dự án 6 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.