Chưa hết khó
Sau khi Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 được ban hành và có hiệu lực, tại huyện Si Ma Cai có 7.257 lượt học sinh ở các xã Sín Chéng, Bản Mế, Nàn Sán, Cán Cấu, thị trấn Si Ma Cai là các xã hoàn thành NTM, chịu ảnh hưởng từ việc thay đổi các chế độ chính sách.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện cho biết: Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về tiếp tục thực hiện hỗ trợ cho học sinh các xã khu vực II, khu vực III hoàn thành NTM trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Mặc dù Nghị quyết, đã cơ bản tháo gỡ những khó khăn đối với học sinh các xã NTM. Tuy vậy, Nghị quyết này, cũng chỉ áp dụng cho năm học 2021 - 2022; nếu không có gì thay đổi, thì những năm học tiếp theo nhiều khả năng học sinh sẽ không còn được hưởng chính sách trên.
Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học và THCS Nàn Sán có 13 lớp, với 350 học sinh không còn được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ như trước đây. Thầy giáo Nguyễn Đức Lưu, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nghị quyết của HĐND đã tháo gỡ khó khăn rất nhiều cho nhà trường. Tuy nhiên, cũng còn những khó khăn nhất định, như các em không còn được hỗ trợ gạo, thiết bị thể thao, y tế… nhất là vấn đề đóng học phí của học sinh.
“Đặc biệt, sau khi chuyển lên khu vực I, không thuộc thôn khó khăn, xã đặc biệt khó khăn thì học sinh sẽ phải đóng tiền học phí hàng tháng với mức thu là 60.000 đồng/tháng xã khu vực I. Đây là khoản đóng góp không nhỏ với các gia đình có nhiều con đi học”, thầy Lưu nhấn mạnh.
Giải pháp giữ chân học trò
Với những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài, ngày 30/9/2021, Huyện ủy Si Ma Cai đã ban hành Chỉ thị 12-CT/HU về việc huy động học sinh ra lớp và công tác xã hội hóa giáo dục trên địa bàn huyện. Trong đó, nhấn mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Một trong những giải pháp trong công tác xã hội hóa giáo dục mà huyện hướng đến, là tiếp tục vận động Nhân dân đóng góp để thực hiện trở lại mô hình bán trú dân nuôi, như những năm trước đây huyện đã làm, khi chưa có mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú.
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện chia sẻ: Với mô hình này, Nhân dân sẽ đóng góp lương thực, thực phẩm, tham gia nấu ăn… cho con em mình, để các em được học tập, ăn ở nội trú. Qua đó, các em đỡ phải đi bộ trèo đèo, lội suối vất vả, mệt nhọc hằng ngày. Thầy cô giáo có thể kiểm tra việc học của các em thường xuyên hơn, nắm được sức học của từng em và có điều kiện giúp đỡ các em hiệu quả hơn. Các em được ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu với bạn bè và thầy cô thường xuyên, nên có cơ hội sử dụng tiếng phổ thông nhiều hơn.
"Ðiều quan trọng nhất, là hạn chế đến mức thấp nhất học sinh bỏ học giữa chừng, vì xa nhà và gia đình khó khăn…”, bà Oanh phân tích.
Khi các xã đã đạt đến sự phát triển nhất định, trong đó có việc hoàn thành xây dựng NTM, thì sự điều chỉnh các xã này từ vùng III, vùng II chuyển sang vùng I để dành nguồn lực đầu cho các xã khó khăn hơn là điều tất yếu.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn khi không còn được hưởng các chính sách hỗ trợ, nhiều địa phương đã và đang có những giải pháp tích cực cho vấn đề an sinh xã hội, trong đó có giáo dục. Và, cách làm, hướng đi của huyện vùng cao Si Ma Cai khi đang hướng đến việc “tái khởi động” mô hình bán trú dân nuôi thực sự là một gợi ý hay, cách làm cần được nhân rộng.