Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lào Cai: Hàng chục nghìn học sinh không có thẻ BHYT và nỗi lo chăm sóc sức khỏe học đường

Trọng Bảo (CĐ) - 10:18, 25/05/2022

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có hàng nghìn học sinh không có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT), nguyên nhân là do các em sinh sống ở những xã đã đạt nông thôn mới, theo Quyết định 861/QĐ-TTg thì các xã này chuyển từ xã vùng III sang xã vùng I nên không còn chính sách hỗ trợ mua BHYT miễn phí (trừ các em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo).

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 11 nghìn học sinh, sinh viên chưa có thẻ BHYT
Toàn tỉnh Lào Cai hiện có trên 11 nghìn học sinh, sinh viên chưa có thẻ BHYT

Nhiều khó khăn khi không có BHYT

Bắt đầu từ tháng 7/2021, em Hoàng Thị Thu, dân tộc Mông, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Na Lốc, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương không còn được hỗ trợ mua thẻ BHYT. Không có thẻ BHYT, đồng nghĩa với việc mỗi khi ốm đau em Thu đều chỉ được thăm khám tại Phòng y tế của trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, Phòng y tế của hầu hết các trường học cũng còn rất tạm bợ; thêm vào đó, do chưa có cán bộ y tế chuyên trác,h mà việc này do các thầy cô giáo kiêm nhiệm nên công tác thăm khám cho các em cũng chỉ là những bệnh cảm cúm thông thường.

“Gia đình mới thoát nghèo, mà xã Bản Lầu là xã nông thôn mới nên các con không còn được Nhà nước hỗ trợ mua thẻ BHYT. Cũng muốn mua cho con để nhỡ có ốm đau thì còn đi bệnh viện, nhưng bây giờ muốn mua cho một cháu cũng mất gần 600 nghìn đồng, nhà khó khăn quá chưa có tiền để mua”, anh Hoàng Xẻng, bố em Hoàng Thị Thu cho biết.

Từ khi không có thẻ BHYT, mỗi khi đau ốm em Thu chỉ được khám bệnh tại phòng y tế của trường
Từ khi không có thẻ BHYT, mỗi khi đau ốm em Thu chỉ được khám bệnh tại phòng y tế của trường

Trường Tiểu học Na Lốc có 391 học sinh, 100% là con em đồng bào DTTS. Trong tổng số học sinh của trường, thì có gần 250 em thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ mua BHYT, số còn lại mới chỉ có 39 em tự mua BHYT, còn 105 học sinh chưa có thẻ.

Thầy giáo Hoàng Ngọc Minh, Quyền Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trước thực trạng này, nhà trường phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các gia đình, tham gia mua thẻ BHYT cho các em. Tuy nhiên, hiện tại rất nhiều em đang ở với ông bà, còn bố mẹ các em thì đi làm thuê ở xa nên gặp rất nhiều khó khăn. Số còn lại dù gia đình đã thoát nghèo, nhưng điều kiện để có tiền mua thẻ BHYT cho con thì gần như không thể.

Hiện nay, toàn huyện Mường Khương còn trên 1.600 học sinh chưa có thẻ BHYT; trong đó, có một số trường tỷ lệ mua BHYT đạt rất thấp như Tiểu học Bản Sen 45%; Tiểu học Lùng Vai 64%; THCS Na Lốc 57%; THCS Bản Sen 47%...

“Việc học sinh không có thẻ BHYT, khi các cháu bị ốm đau phải đưa đi các cơ sở y tế để khám chữa bệnh, gia đình phải tự chi trả 100% chi phí. Với điều kiện kinh tế của bà con vùng cao trên này, thì chắc chắn sẽ có rất ít gia đình có thể chi trả được. Ngoài ra, khi tham gia BHYT học đường, cơ quan bảo hiểm sẽ trích 10% để xây dựng tủ thuốc tại chính các trường học. Như vậy, trường nào mà tỷ lệ học sinh không có BHYT cao thì đương nhiên nguồn quỹ trích lại sẽ thấp”, ông Trần Xuân Thịnh, Giám đốc BHXH huyện Mường Khương cho biết thêm

 Việc vận động người dân chủ động mua BHYT cho con em mình đang gặp rất nhiều khó khăn
Việc vận động người dân chủ động mua BHYT cho con em mình đang gặp rất nhiều khó khăn

Giải pháp nào để khắc phục?

Theo thống kê của cơ quan bảo hiểm, hiện nay toàn tỉnh Lào Cai có trên 11 nghìn học sinh, sinh viên chưa có BHYT. Trong đó, tập trung chủ yếu ở nhóm học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do thay đổi chính sách tại Quyết định 861/QĐ-TTg. Bên cạnh đó, cũng còn có những cơ sở giáo dục chưa sát sao trong việc tuyên truyền vận động học sinh mua bảo hiểm, coi việc này là “thu hộ” cơ quan bảo hiểm.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn; một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước…

Ông Nguyễn Xuân Thủy, Phó Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng-BHXH tỉnh Lào Cai cho biết: Thời gian qua, cơ quan bảo hiểm đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, tuyên truyền vận động người dân mua BHYT cho con em mình. Nhờ đó, đã có trên 20 nghìn học sinh được mua bảo hiểm bổ sung. Tuy nhiên, số học sinh chưa có thẻ BHYT toàn tỉnh vẫn còn rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe học đường.

Để từng bước tháo gỡ khó khăn này, hiện nay ngành bảo hiểm đang tích cực phối hợp với chính quyền các huyện, thị xã, thành phố, ngành giáo dục… xem xét, cân đối có thể trích từ nguồn ngân sách, để hỗ trợ nhóm học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng theo Quyết định 861, chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm, nhất là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh DTTS… 

Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng cấp học, từng vùng, từng dân tộc từng bước nâng cao nhận thức của học sinh, phụ huynh về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của BHYT…

Theo ông Nguyễn Xuân Thủy, học sinh, sinh viên thuộc nhóm tham gia BHYT bắt buộc, chứ không theo hộ gia đình, nên cần có sự chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền địa phương, sự tham gia tích cực hơn của ngành Giáo dục, trong đó có các trường học.

 "Tuy vậy, cũng không thể cứng nhắc trong việc vận động, vì nếu không khéo bà con sẵn sàng cho con em nghỉ học, ảnh hưởng đến chính sách giáo dục. Nhưng nếu chúng ta không làm, không đẩy mạnh tuyên truyền, thì về lâu dài ảnh hưởng trực tiếp đến việc chăm sóc sức khỏe cho các em cũng như chỉ tiêu bao phủ BHYT toàn dân…”, ông Thủy phân tích.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.