Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lai Châu: Tỷ lệ bao phủ BHYT ở vùng cao gặp nhiều khó khăn

Khắc Kiên - 12:45, 02/11/2021

Thực hiện Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 433 của Ủy ban Dân tộc, tỉnh biên giới Lai Châu có 38 xã chuyển từ khu vực 3, khu vực 2 sang khu vực 1. Điều này đồng nghĩa với việc toàn bộ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước dành cho đồng bào DTTS ở các xã này bị cắt giảm; một trong số đó là hỗ trợ mua bảo hiểm y tế (BHYT). Việc cắt giảm này không chỉ khiến tỷ lệ phủ bảo hiểm y tế ở Lai Châu bị giảm thấp, mà còn làm cho cuộc sống của đồng bào đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Người dân không có thẻ bảo hiểm, nhiều trạm y tế ở Lai Châu dư thừa thuốc do không có người đến khám bệnh
Người dân không có thẻ bảo hiểm, nhiều trạm y tế ở Lai Châu dư thừa thuốc do không có người đến khám bệnh

Gia đình anh Lò Văn Mai, dân tộc Thái, ở bản Nậm Đanh, xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên (Lai Châu) vừa ra khỏi danh sách hộ nghèo năm 2020. Nhà đông con, cuộc sống gia đình chỉ trông chờ vào việc cấy hái từ mấy sào ruộng 1 vụ và một ít đất nương trồng ngô, sắn.

“Gia đình tôi có 7 khẩu mà chỉ có 2 vợ chồng đi làm, nên gặp rất nhiều khó khăn. Giờ các con tôi đang ăn học, trang trải cũng nhiều nên gia đình không có tiền để mua thẻ BHYT. Bây giờ ốm đau thì gia đình đành phải tự khắc phục chạy chữa ở nhà thôi”, anh Mai chia sẻ.

Xã Nậm Sỏ có gần 1.400 hộ và trên 7.800 nhân khẩu, trong đó, dân tộc Thái và Mông chiếm trên 93%. Năm 2020, tỷ lệ người dân tham gia bảo BHYT của xã đạt trên 90%, thế nhưng từ khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, thì tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chỉ còn trên 10%. Người dân không có thẻ BHYT, nên trạm y tế xã cũng thưa thớt người đến khám bệnh. Thuốc nhập về thì thừa nhiều, cận hạn, nên trạm buộc phải luân chuyển xã khác, hoặc trả lại cho đơn vị quản lý.

“Điều kiện kinh tế, xã hội của người dân ở xã Nậm Sỏ còn rất nhiều khó khăn, giờ không có thẻ khám, chữa bệnh, cuộc sống càng khó khăn. Người dân không có tiền để mua lại thẻ bảo hiểm đã bị cắt, nên ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh của Trạm, kéo theo là tỷ lệ khám, chữa bệnh của Trạm cũng rất thấp so với những năm trước đây”, ông Lường Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Sỏ, huyện Tân Uyên nói.

Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lai Châu có 38 xã đạt chuẩn nông thôn mới; đồng nghĩa với việc các địa phương này không còn thuộc danh sách xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc này kéo theo gần 106.000 người bị cắt giảm việc hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, khiến tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế của địa phương từ gần 97% giảm xuống còn hơn 73%.

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu cho biết: Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu hiện đang tích cực phối hợp với chính quyền các cấp tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn về quyền và lợi ích khi tham gia bảo hiểm y tế, từ đó tích cực dành kinh phí để mua thẻ BHYT.

“Chúng tôi đã phân ra từng nhóm đối tượng để tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân bị ảnh hưởng. Đặc biệt cũng phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho tỉnh để có chính sách hỗ trợ một phần kinh phí đóng bảo hiểm y tế cho người dân. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục phối hợp với UBND từ cấp huyện, cấp xã đến từng thôn, bản để tuyên truyền cho người dân hiểu và quay lại tham gia bảo hiểm y tế”, ông Tuấn cho hay.

Từ thực tế tỷ lệ bao phủ BHYT tại Lai Châu và nhiều địa phương bị giảm đột ngột do quy định vùng mới áp dụng, ông Tao Văn Giót, đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cho rằng: Đối tượng thụ hưởng chính sách về bảo hiểm y tế bị giảm đi có tác động rất lớn đến việc bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Dịch bệnh Covid-19 thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân; nếu tiếp tục thực hiện ngay chính sách đó, thì đời sống người dân càng khó khăn nhiều hơn. Vì vậy, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương nên xem xét gia hạn thời gian thực hiện chính sách; để cơ quan chức năng và địa phương có thời gian tuyên truyền, vận động, để người dân tiếp cận dần dần.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.