Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gia Lai: Tăng cường ngăn chặn tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS

Ngọc Thu - 14:05, 04/10/2022

Thời gian qua, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS” đã được tỉnh Gia Lai triển khai rộng khắp các thôn, làng, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, trường hợp tảo hôn và HNCHT giảm qua từng năm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực DTTS trên địa bàn tỉnh.

UBND huyện Chư Păh tuyên truyền, vận động hai chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình, phòng - chống nạn tảo hôn, HNCHT cho các em học sinh
UBND huyện Chư Păh tuyên truyền, vận động hai chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình, phòng - chống nạn tảo hôn, HNCHT cho các em học sinh

Theo báo cáo từ Ban Dân tộc tỉnh, Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS” giai đoạn 2016 - 2020 đã có kết quả khả quan khi tỷ lệ tảo hôn giảm được 0,34% (từ 1.132 vụ tảo hôn năm 2015 xuống 869 vụ tảo hôn năm 2020). Thông qua các cuộc tư vấn, tuyên truyền về tảo hôn và HNCHT cho ngàn lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm, ký cam kết không kết hôn tảo hôn và HNCHT cho người dân sinh sống trên địa bàn các xã thực hiện mô hình điểm, câu lạc bộ… đã kịp thời can thiệp, ngăn chặn nhiều cặp tảo hôn.

Ở giai đoạn này, xuất hiện nhiều điểm sáng trong thực hiện giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCHT như huyện Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Kbang. Cụ thể, huyện Mang Yang là một điểm sáng trong giảm thiểu nạn tảo hôn. Toàn huyện đã giảm tỷ lệ tảo hôn từ 21% trước năm 2015 xuống còn 4,1% năm 2020. Thành công này xuất phát từ nghị quyết chuyên đề về tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, đẩy lùi nạn tảo hôn và HNCHT của Ban Thường vụ Huyện ủy Mang Yang. Nghị quyết xác định mục tiêu, giải pháp, lộ trình rõ ràng và đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong tuyên truyền, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và HNCHT ở vùng DTTS. 

Đối với huyện Đak Đoa, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hàng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Dân tộc phối hợp với Phòng Tư pháp, UBND các xã, thị trấn lồng ghép nội dung tuyên truyền Đề án đến với người dân bằng nhiều hình thức; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức ngoại khóa tuyên truyền trong trường học về hậu quả của nạn tảo hôn; thành lập các câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở 100% xã, thị trấn. Nhờ đó, số vụ tảo hôn đã giảm dần theo các năm, nhận thức về nạn tảo hôn của người dân đã có sự chuyển biến tích cực. Đặc biệt, 6 tháng đầu năm 2022, huyện Đak Đoa không có trường hợp nào tảo hôn.

Cùng với đó, các địa phương đã ra mắt nhiều mô hình “Nói không với tảo hôn, HNCHT”, tập huấn mô hình điểm thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, HNCH". Đặc biệt, tại các trường học có tỷ lệ đồng bào DTTS cao, UBND huyện Chư Păh đã tổ chức tuyên truyền, vận động hai chuyên đề về Luật Hôn nhân và gia đình, phòng - chống nạn tảo hôn, HNCHT cho các em học sinh. Đến tháng 12/2022, huyện Chư Păh sẽ truyền thông tại 21 trường học với gần 6.000 lượt học sinh tham gia.

Tuy tình trạng tảo hôn, HNCHT trong đồng bào DTTS ở tỉnh Gia Lai có giảm nhưng vẫn giảm chưa nhiều, đặc biệt còn có các huyện tăng đột biến như Chư Pưh, Krông Pa (năm 2020), Đức Cơ, Ia Grai (2022). Nguyên nhân do thiếu kinh phí, tập tục lạc hậu của người dân, tình trạng bất đồng ngôn ngữ, việc xử lý vi phạm về hôn nhân và gia đình còn chưa kiên quyết…

Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch số 492/KH-UBND về thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025" (giai đoạn II) trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Mục đích của Đề án nhằm giảm bình quân 2 - 3%/năm số cặp tảo hôn và 3 - 5%/năm số cặp kết hôn cận huyết thống đối với các địa bàn DTTS có tỉ lệ tảo hôn, kết HNCHT cao. Phấn đấu đến năm 2025, ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và HNCHT trong vùng DTTS. UBND tỉnh giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối họp với các sở, ban ngành liên quan tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đồng thời, phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đồng bào DTTS.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng của các cấp chính quyền, đoàn thể, cũng cần sự chung tay, chia sẻ của các bậc phụ huynh và cộng đồng để bảo vệ con em mình tránh xa những hủ tục. Đồng thời, bản thân thanh thiếu niên cần có ý thức, trách nhiệm để tự bảo vệ, tích luỹ kiến thức vì tương lai tốt đẹp hơn cho chính mình và xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024 - lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.