Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Ấm áp tình người sau cơn lũ dữ

Hoàng Thị Thắm - 2 giờ trước

Tuyên Quang là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của hoàn lưu cơn bão số 3 (bão Yagi) - cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông và trong 70 năm qua trên đất liền, gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (bìa trái) thăm hỏi đồng bào các DTTS xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (ngày 14/9).
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr (bìa trái) thăm hỏi đồng bào các DTTS xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 (ngày 14/9).

Chuyện của Nhu

Chiều ngày 15/9/2024, thay mặt cơ quan, tôi vào Bệnh viện đa khoa tỉnh thăm bệnh nhân Hoàng Văn Nhu, dân tộc Tày, sinh năm 1981, trú tại thôn Pác Cháng, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa - nạn nhân vụ sạt lở mất trắng toàn bộ nhà ở và tài sản.

Giọng buồn buồn, thoáng chút thảng thốt, Nhu nhớ lại: “Cho đến bây giờ em cũng không thể hình dung được sự việc diễn ra như thế nào, vì nó quá nhanh và quá sợ. Đêm 9/9/2024, trong cơn mưa rất lớn, toàn thôn bị cắt điện, trời tối mịt mù, em ra ngoài hiên nhà để khơi thông rãnh nước, khi quay trở vào thì thấy nước đã tràn vào trong nhà. Em vội vàng bế mẹ ra cửa và bảo cậu con trai túm vào gấu áo phía sau để đi theo bố. Ba người vừa ra khỏi cửa thì căn nhà gỗ 3 gian đổ sập, đất đá tràn xuống cuốn trôi nhà và đẩy trôi cả 3 người xuống phía dưới khoảng 50m và mắc kẹt lại dưới gầm nhà sàn của gia đình người hàng xóm”.

May sao, một đợt đất đá tiếp theo sụp xuống, trượt qua người và đẩy toàn bộ đất đá trên người Nhu trôi theo. Cùng lúc đó thì chủ ngôi nhà sàn bấm đèn pin đi kiểm tra đàn dúi nuôi của gia đình ở dưới gầm sàn. Thấy vậy Nhu mới gọi cứu và nhờ người đó đi tìm mẹ mình. Người hàng xóm chạy đi gọi người trợ giúp và cứu được cả 3 mẹ con, bà cháu. Do bị đất đã vùi lấp, bàn chân trái của Nhu đã bị dập nát phần cơ và nhiễm trùng nặng, nhưng vì xã Linh Phú bị cô lập do mưa lũ nên không thể ra bệnh viện huyện được. Đến ngày 12/9/2024 mới thông đường, Nhu được đưa về điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang.

Do toàn bộ nhà cửa và tài sản bị lũ cuốn trôi nên hiện nay gia đình Nhu đang ở nhờ nhà anh trai. Nhu bảo: “Em sợ lắm, nếu có làm lại nhà cũng không dám ở trên nền nhà cũ đâu chị ạ. Bởi vì hiện trạng nền nhà cũ đã bị đất đá vùi lấp cao đến 2m”...

Câu chuyện của Nhu là một trong những hoàn cảnh cụ thể về những mất mát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Người chết, người bị thương, hoa màu, ngô lúa mất trắng, nhà cửa bị cuốn trôi cho thấy những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 gây ra.

Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Hoàng Thị Thắm đến bệnh viên thăm, động viên em Hoàng Văn Nhu, dân tộc Tày, trú thôn Pác Cháng, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa - nạn nhân vụ sạt lở mất trắng toàn bộ nhà ở và tài sản.
Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang Hoàng Thị Thắm đến bệnh viên thăm, động viên bệnh nhân Hoàng Văn Nhu, dân tộc Tày, trú thôn Pác Cháng, xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa - nạn nhân vụ sạt lở mất trắng toàn bộ nhà ở và tài sản.

Cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Trước đó một ngày, chúng tôi theo chân đoàn công tác của Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr đi thăm hỏi đồng bào các DTTS xã Linh Phú - xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa, bị thiệt hại nặng nề - mới thấy sự tàn khốc của hoàn lưu cơn bão số 3 để lại.

Trên đường đi, dọc theo quốc lộ 2C qua các xã Xuân Vân, xã Trung Trực, huyện Yên Sơn, quan sát thấy vết tích tàn phá của mưa lũ dọc bên bờ sông Lô, toàn bộ hoa màu và cây trồng bị tàn phá nặng nề, phù sa lấp kín, thỉnh thoảng bắt gặp một ngôi nhà tan hoang chỉ còn bộ khung nằm trơ trọi giữa cánh đồng hoặc bên vạt suối. Vì đèo Nàng nối 2 xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn và xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa đang bị sạt lở nên đoàn phải đi vòng qua đường xã Bình Nhân. Khi đi qua khu vực qua cầu Chinh của xã Vinh Quang và tiếp giáp là xã Kim Bình mới thấy thật sự xót xa bởi khung cảnh tan hoang của mưa lũ để lại. Cả hai xã bị cô lập 4 ngày trong mưa lũ; nhiều hộ dân bị nước ngập lên đến nóc nhà. Đến địa phận của xã Tri Phú và Linh Phú, huyện Chiêm Hóa, chúng tôi gặp hàng dài đoàn xe cứu trợ của các nhóm, các đoàn thiện nguyện từ khắp các tỉnh có cả miền Bắc, miền Trung, trong lòng thấy nghèn nghẹn xúc động, bởi tình người ấm áp.

Khi vào gần đến trụ sở UBND xã Linh Phú thì gặp 1 cầu tràn bị sạt lở trong khi nước vẫn đổ về chảy xiết, huyện và xã đã phải bố trí các lực lượng ứng cứu, tạo thành 2 hàng người đứng ở 2 bên dòng suối làm hoa tiêu để các phương tiện đi qua, rất vất vả và nguy hiểm. Đoàn công tác vào đến trụ sở của xã đã thấy hơn chục chiếc xe máy của cán bộ xã chờ sẵn để đoàn “tăng bo” vào thôn Pác Hóp.

Theo thông tin từ xã Linh Phú, trận mưa lũ đêm 9/9/2024 đã khiến 64 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn xã bị tàn phá nhà cửa, trong đó có 30 hộ gia đình có nhà bị sập, hư hỏng đã phải di dời lánh nạn, đặc biệt có 3 gia đình bị lũ cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa và tài sản. Tại thôn Pác Hóp, có nhóm 12 hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông bị lũ cuốn sập nhà cửa, hiện các gia đình đang phải đi ở nhờ nhà người thân, hàng xóm. Những hộ bị thiệt hại khác thì nằm rải rác ở các thôn.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, lượng nước ở các sông chảy qua địa phận Tuyên Quang dâng cao dẫn đến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh đều ngập chìm trong biển nước. Thành phố Tuyên Quang bị thiệt nặng nhất với nhiều khu vực bị ngập. Tại các khu vực bị ngập, tất cả các hộ dân đều bị cô lập từ ngày 10/9 đến rạng sáng ngày 12/9 nước mới rút dần. Hầu hết các gia đình đều đã phải chuyển lên sinh hoạt tại khu vực tầng 2 - 3 do nước lên nhanh hoặc phải di chuyển đi xa để tránh lụt.

Tiếp đến là thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Chiêm Hóa bị cô lập do nước ngập và ảnh hưởng khá nặng nề. Các huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn, huyện Na Hang, Sơn Dương cũng đều hứng chịu những thiệt hại tương tự. Trong thời điểm mưa bão, hầu hết các khu vực ngập lụt bị cô lập và mất liên lạc hoàn toàn bởi không có điện lưới, không có sóng điện thoại, nhất là các xã, thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Huyện Chiêm Hóa thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Ảnh minh họa).
Huyện Chiêm Hóa thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Ảnh minh họa).

“Tình dân tộc, nghĩa đồng bào”

Trong mưa bão, một điều dễ nhận thấy đó là tấm lòng “tương thân tương ái”, sự sẻ chia, trợ giúp, động viên giữa những người dân với nhau. Thực hiện tinh thần chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền của tỉnh với phương châm “4 tại chỗ”, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các địa phương đều chủ động, kịp thời nắm chắc số người bị cô lập do lũ lụt, có phương án cứu trợ với mục tiêu cao nhất là tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào bị đói, không có nơi ở.

Các lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh đã nhanh chóng hành động, có phương án để cứu trợ kịp thời, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Cùng với đó là nỗ lực tự cứu mình của từng người dân, song hành với tinh thần tương thân, tương ái của cộng đồng nên ở các phường, xã, khu dân cư thôn, bản, công tác cứu hộ được thực hiện kịp thời. Đã có hằng trăm người dân ở vùng có nguy cơ cao đến chỗ tạm trú an toàn; chia sẻ cho nhau chỗ ở, miếng ăn trong những ngày mưa lụt.

Rất nhiều người dân trong tỉnh, mặc dù cũng vừa trải qua những giây phút kinh hoàng do siêu bão Yagi để lại, cũng như người dân trên cả nước đã sẵn sàng gác lại tất cả công việc để tham gia, kêu gọi mọi người cùng tham gia đến vùng ngập lụt chung tay cứu trợ những người đang gặp nạn. Các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh Tuyên Quang, như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh chủ trì, làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa, như yếu phẩm, kinh phí hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các nhóm thiện nguyện để điều phối kịp thời cho các địa phương bị ngập lụt. Đó chính là “Tình dân tộc, nghĩa đồng bào” - sức mạnh to lớn của tinh thần Việt Nam.

Theo thống kê, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, toàn tỉnh Tuyên Quang có 5 người chết, trên 19.000 nhà dân bị hư hỏng, ảnh hưởng. Trong đó 883 nhà bị hư hỏng, gần 17.000 ngôi nhà bị ngập nước. Đặc biệt có 4.785 hộ phải di dời khẩn cấp. Ngoài ra, mưa lũ còn gây hư hại trên 7.000ha lúa, ngô, rau màu, cây công nghiệp, cây ăn quả... Đối với diện tích lúa, chỉ còn khoảng 15 đến 20 ngày nữa là người nông dân đến vụ thu hoạch, đến nay hoàn toàn mất trắng.

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.