Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Dai dẳng - nạn tảo hôn ở các xã vùng cao Phước Sơn

Trần Cao Anh- Kim Anh - 10:10, 27/09/2022

Nhiều năm nay, nạn tảo hôn và tục bắt vợ vẫn tồn tại dai dẳng trong vùng đồng bào người Bhnoong (nhóm địa phương của dân tộc Gié Triêng) ở huyện vùng cao Phước Sơn (Quảng Nam). Nhiều học sinh đang đi học, nhưng chỉ sau dịp nghỉ hè, nghỉ lễ hoặc nghỉ Tết là bỏ học luôn để ở nhà lấy chồng, lấy vợ khi chưa đủ tuổi kết hôn.

Cô gái Hồ Thị Se, người Bhnoong (bế con bên phải), xã vùng cao Phước Thành mới 21 tuổi, đã có 3 con.
Cô gái Hồ Thị Se, người Bhnoong (bế con bên phải), xã vùng cao Phước Thành, huyện Phước Sơn mới 21 tuổi, đã có 3 con.

Ước mơ bị đánh cắp

Thầy giáo Đặng Đình Mỹ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS Phước Kim, xã Phước Kim, huyện Phước Sơn trăn trở, theo phong tục của người Bhnoong ở Phước Sơn, “mùa bắt vợ” bắt đầu từ tháng 3 âm lịch đến tháng 12 hằng năm. Các thầy cô giáo dạy học ở trên này rất lo mỗi khi bước vào năm học mới, nhiều học sinh nữ đang đến lớp bỗng dưng nghỉ học rồi không bao giờ quay trở lại trường nữa, vì đã có người “bắt” làm vợ. Và cả những học sinh nam bỗng có vợ lúc mới 15, 16 tuổi.

Cũng theo phong tục của người Bhnoong, những chàng trai khi ở độ tuổi thanh-thiếu niên khi đi chơi gặp một cô gái nào mà cảm thấy “ưng cái bụng”, liền quay về rủ thêm một số thanh niên trong bản tìm bắt cô gái theo mình. Nếu hai người đã có tình ý từ trước thì việc này diễn ra đơn giản. Cô gái sau một hồi chống cự lấy lệ sẽ để chàng trai đưa về nhà... sống thử. Sau đó, chàng trai sẽ đưa cô gái về nhà bố mẹ đẻ của mình để làm các nghi lễ cưới hỏi theo phong tục truyền thống.

Nhưng lâu nay, phong tục “bắt vợ” trong đồng bào Bhnoong đã bị biến tướng. Các bậc cha mẹ vì muốn có thêm người làm, mà chủ động tổ chức “bắt vợ” là con gái nhà người khác để cho con trai mình đem về làm vợ, bất chấp cả hai đứa trẻ còn đang ở độ tuổi vị thành niên. Theo quan niệm của người Bhnoong, một khi cô gái đã bị bắt làm vợ, đã ở bên nhà trai một đêm, thì không được phép trở về nhà cha mẹ đẻ nữa. Sau 3 ngày, nhà trai mới cử người sang nhà gái báo chính thức về chuyện “bắt vợ”.

Thầy Đặng Đình Mỹ và nhiều giáo viên của Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Phước Kim đã không ít lần rơi nước mắt khi lên lớp thấy trống chỗ ngồi của những học trò nữ. Cho dù sau đó, các thầy cô có đến tận nhà vận động học sinh quay lại lớp, thì các ông bố, bà mẹ đều lắc đầu không đồng ý, bởi con mình đã làm vợ nhà người ta rồi.

Cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Phó Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: Nhiều năm nay, nạn tảo hôn và tục bắt vợ vẫn tồn tại dai dẳng trong đồng bào Bhnoong, khiến nhiều nữ sinh đang tuổi đến trường đã phải bỏ học để lập gia đình. Khi chúng tôi đến nhà vận động các phụ huynh cho con em quay lại lớp học, một số phụ huynh trả lời: “Học làm gì nhiều, học rồi cũng đi lấy chồng thôi!”. Đồng bào vẫn chưa thay đổi nếp nghĩ lạc hậu của mình.

Dạo một vòng quanh qua những lớp học đơn sơ của Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Phước Thành, chúng tôi cũng nhận thấy, số học sinh nữ ít hơn hẳn so với học sinh nam. Cả trường Phước Thành có 280 học sinh, thì chỉ có 53 học sinh nữ. Để suy trì được sĩ số này đến cuối năm học, là một điều vô cùng khó khăn đối với các thầy cô giáo nơi đây.

Em Hồ Thị La, học sinh lớp 8 tỏ ra thẹn thùng khi tôi hỏi: “Em muốn học lên nữa hay ở nhà lấy chồng”. “Em muốn học lên cấp 3 để sau này được làm cô giáo, nhưng em sợ bị bắt lấy chồng”. La cũng chia sẻ về người chị gái của mình đang học lớp 6 ở trường này đã bị bắt về làm vợ ở làng bên. Chứng kiến chị mình bị người ta bắt đi, La chỉ biết đứng nhìn và khóc… Thế nhưng, cha mẹ La đón nhận tin này một cách bình thản. Họ biết con gái mình sắp làm vợ. Sự bình thản của cha mẹ khiến La lo sợ một ngày nào đó, mình cũng bị bắt đi làm vợ như chị của mình…

Thiếu nữ người Bhnoong Hồ Thị Hi (bên phải), xã vùng cao Phước Kim mới 18 tuổi đã có 2 con.
Thiếu nữ người Bhnoong Hồ Thị Hi (bên phải), xã vùng cao Phước Kim mới 18 tuổi đã có 2 con.

Những ông bố học trò

Theo các quy định hiện hành, Nhà nước tôn trọng và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân, gia đình của các dân tộc thiểu số. Đối với các hủ tục như bắt vợ mục đích để cưỡng ép phụ nữ làm vợ, lợi dụng mê tín dị đoan cản trở quyền tự do kết hôn của nam nữ... trái với Luật Hôn nhân và Gia đình đều bị nghiêm cấm, bởi đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Tại vùng cao Phước Sơn, nạn tảo hôn không chỉ xảy ra đối với các thiếu nữ, mà xảy ra cả với những cậu bé độ tuổi 14 -15. Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học & THCS Phước Kim, có em Hồ Văn Thi mới 15 tuổi đã được cha mẹ tổ chức cưới vợ.

 Nhà của Hồ Văn Thi ở thôn Nước Kiết (xã Phước Kim). Khi đang học ở trường Phước Kim thì Thi đã được cha mẹ nhắm cho 1 cô gái làng bên là Hồ Thị Sơ (17 tuổi) để làm vợ. Sau khi bắt Hồ Thị Sơ về nhà mình, chỉ mấy ngày sau Thi đã trở thành chồng của cô gái hơn mình 2 tuổi. Hồ Văn Thi kể: “Trước khi cưới vợ, em chưa biết mặt vợ đâu. Ngày cưới em còn mải đi chơi, mẹ phải gọi về để mặc cho quần áo mới. Cưới xong, vợ đi làm nương, làm hết việc nhà, còn em vẫn đi học”.

Đường từ nhà Thi tới trường cách xa 9 km toàn núi đá gập gềnh nên em ở nội trú, cuối tuần mới về nhà thăm vợ. Có vợ rồi, Hồ Văn Thi cũng biết uống rượu, hút thuốc và khi say cũng hạch sách vợ. Phận làm vợ ở cái tuổi 17 vẫn ngoan ngoãn phục tùng. Hồ Văn Thi không cảm thấy “ngượng” khi cưới vợ sớm, vì trong trường cũng có nhiều bạn học cấp 2 đã lấy vợ.

Những học sinh đã “yên bề gia thất” như Hồ Văn Thi, thường chơi với nhau thành một nhóm. Nụ cười của những cậu bé làm chồng ở tuổi 14, 15 này cũng chẳng còn hồn nhiên nữa. Lộ trình cuộc đời các ông bố học trò thường giống nhau: Lấy vợ sớm, sinh một đàn con và cuộc đời vất vả với gánh nặng mưu sinh trên núi cao.

Tôi hỏi Hồ Văn Thi “Sau này có con, em có muốn cho nó lấy vợ sớm như mình không?”

“Không bao giờ! Em muốn con mình sau này đi học lên cao để không phải cực nhọc phát rẫy, làm nương như em nữa!”…

Bà Hồ Thị Hồng Hảo,Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn cho biết: Tính đến cuối năm 2021, toàn huyện Phước Sơn có 40 trường hợp tảo hôn. Nhiều nhất là xã Phước Thành có 10 trường hợp; thị trấn Khâm Đức 8 trường hợp. Số lượng tảo hôn năm 2022 chưa có thống kê chính xác, nhưng so với năm 2021 có  giảm song giảm không đáng kể và không bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.