Tham dự Hội thảo có lãnh đạo sở Y tế, Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh, các phòng chức năng Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, lãnh đạo UBND huyện A Lưới cùng các ban, ngành đoàn thể có liên quan, lãnh đạo UBND 18 xã/thị trấn và trưởng thôn của một số địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của huyện A Lưới cùng tham dự.
Theo báo cáo, tại các huyện Nam Đông, A Lưới và một số xã vùng đồng bào DTTS thuộc các huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng. Tình trạng tảo hôn không chỉ xảy ra ở các vùng đồng bào DTTS mà còn tồn tại ở các địa phương vùng đồng bằng như Quảng Điền, Phú Vang, thành phố Huế.
Trong giai đoạn từ năm 2017 đến 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 375 trường hợp tảo hôn, trong đó tại huyện A Lưới có 16/18 xã/thị trấn có 168 trường hợp, có 01 trường hợp hôn nhân cận huyết thống tại xã Lâm Đớt vào năm 2020. Trong 7 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 31 trường hợp tảo hôn.
Ngành Y tế Thừa Thiên Huế đã và đang nỗ lực phối hợp các cơ quan/đơn vị liên quan, đẩy mạnh các hoạt động nhằm thực hiện các mục tiêu theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015-2025”.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe tham luận của các nhà quản lý về thực hiện các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và xóa bỏ hôn nhân cận huyết thống, ý kiến của các nhà chuyên môn về những tác động, ảnh hưởng và hệ lụy để lại đối với trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.