Thực hiện Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 22/4/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025 (giai đoạn II), các cấp ủy Đảng, chính quyền và quần chúng Nhân dân đặc biệt quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Huyện Như Thanh đã thực hiện tốt công tác truyền thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện truyền thông, hội thi (sân khấu hóa), giao lưu văn hóa - văn nghệ, tuyên truyền qua pano, áp phích, tài liệu.
Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức tuyên truyền và tranh thủ sự ảnh hưởng của Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, để cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện sản xuất các nội dung tuyên truyền và phát sóng tuyên truyền trên đài phát thanh truyền hình huyện; xây dựng 2 mô hình điểm tại Trường THPT Như Thanh II xã Thanh Tân và Trường THCS&THPT Như Thanh, về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ theo quý của câu lạc bộ phòng chống tảo hôn tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Như Thanh đã được tỉnh đầu tư, hỗ trợ để sản xuất, thiết kế pano, áp phích, tờ rơi, sổ tay tuyên truyền về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và Nhân dân, từ đó hạn chế tình trạng tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS.
Ông Phạm Hữu Hùng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Như Thanh cho biết: Qua kiểm tra theo dõi, tổng hợp từ năm 2020 đến 4/2022, trên địa bàn huyện Như Thanh có tổng số 1.667 cặp kết hôn nhưng không có trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống nào. Kết quả này, là từ việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn huyện đã có sự chung tay, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cùng đông đảo quần chúng Nhân dân đồng tình ủng hộ. Vì vậy đến nay, trên địa bàn huyện không có cặp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống..., góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của các hộ dân, cũng như góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tại các khu dân cư vùng DTTS đặc biệt khó khăn.
Phát huy những kết quả tích cực đó, Như Thanh phấn đấu đến năm 202,5 toàn huyện không còn tình trạng tảo hôn và duy trì không có hôn nhân cận huyết thống. Để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án, huyện đề ra các giải pháp như tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định của pháp luật có liên quan đến hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tổ chức các hội thi, hội diễn, các lớp tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, tư vấn can thiệp tảo hôn và hôn nhận cận huyết thống, can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh tại các hội nghị của huyện và xã. Từ đó nâng cao nhận thức, dần thay đổi hành vi tiến tới từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về lĩnh vực hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng chạy theo thành tích của một số đơn vị cơ sở trong việc cập nhật, báo cáo tình hình thực trạng tảo hôn hàng năm của đơn vị, vận động nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và tiến bộ.