Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chuyện tảo hôn ở Chư Drăng

Thanh Long- Kim Anh - 14:05, 23/09/2022

Dù công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, nhưng thời gian qua, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phức tạp ở các xã vùng đồng bào dân tộc Gia Rai thuộc huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, trong đó nhiều trường hợp sinh đẻ ở độ tuổi 15, 16, 17. Nỗi lo về tảo hôn luôn canh cánh, gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội, làm giảm chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.

Tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS
Tuyên truyền về hệ lụy của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào DTTS (Ảnh TL)

Chuyện chưa có hồi kết

Chư Drăng là một xã khó khăn do địa bàn rộng, dân cư sống rải rác trên địa bàn 5 buôn, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Toàn xã có 1.513 hộ, 7648 khẩu với 3 dân tộc anh em sinh sống, trong đó dân tộc Gia Rai chiếm tới 90% dân số. Những năm gần đây, tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra rất phức tạp, đặc biệt là sau thời gian dịch bệnh Covid-19. Năm 2021, toàn xã có 7 cặp tảo hôn, 6 tháng đầu năm 2022, tình hình vi phạm về tảo hôn trên địa bàn xã diễn biến phức tạp hơn. Theo thống kê có 37 cặp kết hôn thì đã có 18 cặp tảo hôn. Buôn Ia Jip có số cặp tảo hôn cao nhất là 7 cặp, buôn Nung có 5 cặp, tiếp đến là các buôn Suối Cẩm, buôn Chư Krih, buôn Thành công. Độ tuổi tảo hôn đối với nam từ 17 tuổi đến 19 tuổi, nữ từ 16 tuổi đến 17 tuổi.

Ông Ksor Rok, Chủ tịch UBND xã Chư Drăng cho biết: Chư Drăng là xã có đông đồng bào Gia Rai, có cả dân tộc Ê Đê sinh sống. Đời sống người dân chủ yếu là làm nông nghiệp nên còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong năm 2021 đến đầu năm 2022, do dịch bệnh Covid-19 nên trẻ em phải học online ở nhà. Nhiều em tiếp thu kiến thức chậm, số học sinh sụt giảm học lực tăng lên. Vì vậy, ngành Giáo dục huyện Krông Pa đã phối hợp với UBND xã cho các em học tập trung tại các lớp ở Trung tâm học tập cộng đồng xã Chư Drăng. Các em rời buôn làng, tập trung đi học tại xã, cuối tuần mới về nhà. Trong thời gian này, ngoài những buổi tham gia học tập trên lớp, các em vui chơi, giao lưu kết bạn cùng nhau. Sau thời gian học ở xã, các em về nhà và nhiều em có ý định bỏ học để kết hôn, mặc dù chưa đủ tuổi xây dựng gia đình.

Trước thực trạng này, Phòng Dân tộc và chính quyền địa phương đã xây dựng, thành lập các ban tuyên truyền, giáo dục về hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Mặc dù tăng cường công tác tuyên truyền nhưng tình trạng cưới tảo hôn cho con vẫn diễn ra, do nhận thức của các bậc phụ huynh còn hạn chế. Xã cũng chưa kiên quyết xử phạt được các cặp tảo hôn, dù đã có luật, vẫn còn tâm lý nể nang trong cùng xóm, làng, cộng đồng; mối quan hệ quen biết, con cháu trong cùng dòng họ; đối với việc xử lý vi phạm hành chính về tảo hôn còn gặp khó khăn do các gia đình cho con tảo hôn phần lớn là hộ nghèo, không có khả năng nộp phạt ...”

Truyền thông vào cuộc

Các buổi truyền thông liên tục được tổ chức tại các buổi họp của thôn, xã bằng việc phát tờ rơi, nói chuyện với bà con về hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đối với sức khoẻ của thế hệ tương lai cũng như chất lượng nòi giống của dân tộc mình. Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xác định đối tượng chính là vị thành niên, thanh niên có nguy cơ là nạn nhân của tảo hôn, các bậc cha mẹ có con là vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là có con có nguy cơ tảo hôn. Thực hiện tuyên truyền trực tiếp tại hộ, tuyên truyền nhóm, các cuộc họp thôn buôn, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã...

Tuyên truyền cung cấp thông tin về tảo hôn cho đồng bào tại cơ sở
Tuyên truyền cung cấp thông tin về tảo hôn cho đồng bào tại cơ sở

Bên cạnh đó, triển khai xây dựng mô hình hạn chế tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại các xã. Đến nay, mô hình này được triển khai và đã đem lại hiệu quả thiết thực. Mô hình góp phần giảm nhanh tỷ lệ kết hôn cận huyết thống của người dân tại địa bàn xã, giảm tỷ lệ trẻ em bị dị dạng, dị tật do hậu quả của việc mang thai và sinh đẻ cận huyết thống trong dòng tộc. Giai đoạn 2016 – 2018, từ một huyện có 52 cặp kết hôn cận huyết thống trong tổng số 81 cặp của toàn tỉnh, hiện nay số cặp kết hôn cận huyết thống đã giảm sâu ở hầu hết các xã. Phòng Dân tộc của huyện Krông Pa đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao nhận thức về vấn đề hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào Gia Rai trên địa bàn xã Chư Drăng và toàn huyện.

Việc tuyên truyền sâu rộng về tác hại của hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn xã Chư Drăng nói riêng và toàn huyện Krông Pa nói chung là một việc làm cần thiết. Việc làm này sẽ hướng người dân tới một lối sống lành mạnh, đúng đắn, tiến tới hôn nhân khi cơ thể đã trưởng thành có đủ điều kiện sức khoẻ, vật chất... Đây cũng là một nhiệm vụ phức tạp và lâu dài nên trách nhiệm tuyên truyền không chỉ là nhiệm vụ của riêng ngành Dân tộc ngành Y tế mà đòi hỏi có sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn toàn tỉnh.

Ảnh: Tuyên truyền cung cấp thông tin về tảo hôn tại xã Chư drăng

Thanh Long

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Gia Lai

ĐT: 0914168353

Tin cùng chuyên mục
Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Bạc Liêu: Trao quà cho học sinh và đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn

Ngày 20/9, tại xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), Ban Dân tộc và Tôn giáo phối hợp Hội Khuyến học tỉnh; UBND thành phố Bạc Liêu tổ chức Chương trình tặng quà cho các hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo và trao học bổng cho học sinh DTTS. Đây là hoạt động nhằm chào mừng Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bạc Liêu lần thứ IV năm 2024 và mừng Lễ Sene Dolta năm 2024 - lễ cổ truyền của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.