Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Gặp nghệ nhân hơn 50 năm thực hành và trao truyền Then cổ

Trí Phương - 10:00, 04/11/2023

Mộc mạc với tình yêu then cổ, bà Nguyễn Thị Tích, sinh năm 1949, dân tộc Tày tích cực thực hành phổ biến trong cộng đồng cũng như ra sức truyền dạy cho thế hệ trẻ để vốn văn hóa quý báu của dân tộc không bị mai một. Với 53 năm thực hành và truyền dạy Then cổ, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tích được mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” lưu giữ vốn quý tại mảnh đất Văn Lãng (Lạng Sơn).

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tích miệt mài thực hành và trao truyền Then cổ
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Tích miệt mài thực hành và trao truyền Then cổ

Từ miệt mài thực hành Then cổ...

Chúng tôi đến thôn Bản Lè, xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng tìm gặp nghệ nhân Nguyễn Thị Tích. Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống, với những giai điệu của cây đàn Tính và lời Then khi réo rắt, lúc trầm lắng đã như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn từ thuở còn thơ của người nghệ nhân ấy.

Then có nguồn gốc từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm tín ngưỡng này vẫn tồn tại và phát triển trong đời sống của cộng đồng các dân tộc Tày và Nùng ở Việt Nam. Người làm Then có thể là đàn ông hoặc đàn bà, ở Lạng Sơn đàn ông làm Then người ta gọi là “Then Tậc”; đàn bà làm Then gọi là “Mè Then”.

Theo bà Tích, Then cổ ở Lạng Sơn cũng giống then cổ một số địa phương khác đều là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phản ánh thế giới tâm linh của người Tày. Đó là những khúc hát, điệu múa, âm nhạc thuộc thể loại dân ca nghi lễ, do những người làm nghề then thực hiện trong không gian các lễ cúng giải hạn, chữa bệnh, then cấp sắc, then buồn, then vui, cầu mùa, cầu phúc, cầu tài lộc có con cái nối dõi tông đường…

“Ngay từ nhỏ, tôi đã được theo bà, mẹ đưa đi khắp nơi trong thôn để dự các buổi lễ làm Then. Tôi đã bị lôi cuốn bởi tiếng hát Then ngọt ngào cùng tiếng đàn tính dìu dặt. Cũng ngay từ khi tôi luôn có ước mơ muốn được học”, bà Tích chia sẻ thêm.

Với tình yêu, đam mê ấy, năm 1965, bà bắt đầu theo học Then với cụ Đinh Thị Đầm, người từng là kho tàng quý báu về Then ở địa phương. Hai năm sau, bà đã được làm lễ lẩu then khai quang 5 dải mũ và bắt đầu hành nghề. Từ năm 1971 đến năm 2023, bà đã trải qua 4 kỳ đại lễ lẩu Then thăng sắc và đạt 13 dải mũ - cấp cao nhất trong dòng then mà bà đạt được.

Sau khi nắm bắt được các nghi lễ Then cổ, bà Tích đã trực tiếp thực hành hơn 40 lễ Then lớn, nhỏ, lễ vòng đời và tri thức dân gian của người Tày, Nùng tại các làng bản trong xã Hoàng Việt, huyện Văn Lãng và các vùng lân cận. Cùng với đó, bà còn lưu giữ một số hiện vật quý liên quan đến Then như 1 cây đàn tính trên 100 năm, 1 chiếc mũ cổ thêu tay, 2 đôi hài thêu tay, 2 chiếc đệm thêu tay, 3 chiếc ấn cổ của người Tày đúc cách đây trên 100 năm.

Là một trong những người biết và hiểu ít nhiều về Then cổ của địa phương, bà Vi Thị Sải, một người dân trong thôn tấm tắc khi nhắc về bà Thìn: “Bà là một trong số ít nghệ nhân có thể thực hiện thuần thục kỹ thuật điều khiển chùm xóc nhạc (pây mạ) bằng chân trong khi hành lễ; nắm giữ và thể hiện thuần thục 8 điệu múa chầu cổ trong tín ngưỡng Then của người Tày”.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Then có nhiều nghi lễ và nghi thức như: Then cầu an giải hạn, tổ chức vào dịp đầu năm; Then nàng hang, diễn ra vào dịp Trung thu; Then cúng mụ, diễn ra vào dịp cúng đầy tháng; Then thôi tang; lẩu Then là những nghi lễ lớn nhất của nhà Then và trong đó nghi lễ Then cấp cao nhất là Then “cấp sắc”.

...Đến tận tâm trao truyền cho thế hệ sau

Ngoài việc trực tiếp thực hành tín ngưỡng Then, bà Tích thường xuyên tham gia cấp sắc, hướng dẫn hát Ten cho nhiều học trò, thành viên câu lạc bộ then trên địa bàn.

Trong quá trình thực hành tín ngưỡng then, bà Tích còn phối hợp với các báo, đài, nhà nghiên cứu trung ương và địa phương thực hiện các tin bài, phóng sự, phim tư liệu liên quan đến công tác tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn và phát huy di sản Then. Từ năm 2014 đến năm 2018, bà cung cấp tư liệu cho cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh trích đoạn Then tiễn khách tham dự Liên hoan Nghệ thuật hát Then Đàn tính toàn quốc lần thứ V tại Tuyên Quang đạt giải A; cung cấp một số tư liệu về dòng Then Xệp cổ huyện Văn Lãng để xây dựng hồ sơ thực hành Then trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại…

Đánh giá cao những đóng góp của nghệ nhân ưu Tú Nguyễn Thị Tích trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung và tín ngưỡng Then nói riêng trên địa bàn xã, ông Lô Văn Biên, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Hoàng Việt cho biết:“Bà Nguyễn Thị Tích rất am hiểu các làn điệu Then cổ, tích cực thực hành phổ biến trong cộng đồng để mọi người thêm hiểu về Then và tâm huyết truyền dạy cho thế hệ trẻ. Bà thực sự là tấm gương sáng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn”.

Với những đóng góp của mình, tháng 9/2022, bà Nguyễn Thị Tích là người duy nhất của huyện Văn Lãng vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba, loại hình “Tập quán xã hội và tín ngưỡng”.

Tin cùng chuyên mục
Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”

Ngày 28/12, tại Tp. Kon Tum (Kon Tum), Ủy Ban Dân tộc tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo “Cơ chế chính sách đặc thù nhằm tạo sinh kế, việc làm bền vững, sắp xếp ổn định dân cư vững chắc cho đồng bào DTTS vùng biên giới”. Ông Đào Xuân Quy - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy Ban Dân tộc) và ông Đinh Quốc Tuấn - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các sở, ban, ngành của 5 tỉnh Tây Nguyên.