Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ nhân ưu tú MA VĂN ĐỨC: Người giữ hồn then cổ và Văn quan làng

PV - 12:47, 19/01/2018

Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Ma Văn Đức (dân tộc Tày) là một trong những nghệ nhân đã có hơn 30 năm sưu tầm, nghiên cứu, dịch nghĩa, viết sách về các cung then cổ, hát quan làng, hát cọi, hát phong slư của dân tộc Tày ở Tuyên Quang.

Nặng lòng với then cổ

Sinh ra và lớn lên ở xã Năng Khả, huyện Na Hang (Tuyên Quang), một vùng quê giàu bản sắc văn hóa truyền thống, với những giai điệu của cây đàn tính và lời then khi réo rắt, lúc trầm lắng đã như suối nguồn thấm sâu vào tâm hồn NNƯT Ma Văn Đức từ thuở còn thơ.

NNƯT Ma Văn Đức đang truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh. NNƯT Ma Văn Đức đang truyền dạy hát then, đàn tính cho học sinh.

 

Từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho tới khi nghỉ hưu theo chế độ (2011) trải qua công tác chuyên môn và đảm nhiệm các vị trí: Phó Phòng Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Chủ tịch UBND huyện Na Hang, rồi Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du Lịch, ông Đức đã dành nhiều thời gian tâm huyết của mình để sưu tầm, tìm hiểu vốn văn hóa truyền thống dân tộc Tày Tuyên Quang. Ông Đức đã dày công sưu tầm được hơn 80 cung then cổ Tày, với gần 20.000 câu thơ thất ngôn.

Theo ông, then cổ Tày Tuyên Quang cũng giống then cổ một số địa phương khác đều là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng, phản ánh thế giới tâm linh của người Tày. Đó là những khúc hát, điệu múa, âm nhạc thuộc thể loại dân ca nghi lễ, do những người làm nghề then thực hiện trong không gian các lễ cúng then kỳ yên giải hạn, chữa bệnh, then cấp sắc, then buồn, then vui, cầu mùa, cầu phúc, cầu tài lộc có con cái nối dõi tông đường…

Ngoài việc dịch nghĩa từ tiếng Tày sang tiếng Kinh và đã cho xuất bản cuốn “Then cổ Tuyên Quang”, ông Đức còn dành nhiều thời gian chọn lọc một số cung, đoạn then cổ giàu nội dung giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình yêu quê hương và những tích truyện hay có cảm xúc thẩm mỹ cao phổ biến cho Đoàn Nghệ thuật Dân tộc tỉnh; các câu lạc bộ hát then, đàn tính, đội văn nghệ khắp các địa bàn trong tỉnh dàn dựng, biểu diễn phục vụ công chúng.

Ông Đức còn là một trong những nghệ nhân đã có nhiều công sức về sưu tập, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống của then cổ, góp phần tạo cơ sở khoa học, thực tiễn để Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch quyết định đưa Nghi lễ then tỉnh Tuyên Quang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Hiện ở Tuyên Quang dường như huyện nào, bản làng nào cũng có sinh hoạt hát then, đàn tính nhưng vùng hát then nhiều nhất, còn duy trì và bảo tồn được nguyên những giá trị của then cổ chỉ có các huyện: Na Hang, Chiêm Hóa, Lâm Bình…”, ông Đức chia sẻ.

Mê đắm hát quan làng

Qua trò chuyện với NNƯT Ma Văn Đức, tôi thêm hiểu hơn, yêu thích hơn về hát quan làng, hay còn gọi là lẩu thơ, một sinh hoạt nghi lễ được thực hiện trong các đám cưới, mang đậm nét văn hóa truyền thống lâu đời của dân tộc Tày Việt Bắc nói chung và người Tày Tuyên Quang nói riêng.

Trong hát quan làng có cả một hệ thống gồm các bài thơ, bài hát dân gian có thể kéo dài hàng ngàn câu, hàng trăm bài, chia thành các phần cụ thể với nội dung là cách giáo huấn chỉ bảo, cách ứng xử tinh tế, tao nhã của mỗi con người với con người trong đời sống cộng đồng xã hội.

Theo phong tục người Tày trước đây, trong các đám cưới, hát quan làng thay cho những lời chào xã giao rất tế nhị, lịch thiệp, thể hiện tình cảm chân tình, tôn trọng nhau giữa nhà trai và nhà gái. Chính vì thế, trong mỗi đám cưới nhà trai thường tìm mời bằng được những người đàn ông trong vùng có khiếu ăn nói lưu loát, khéo léo, nhanh trí, am tường phong tục và quan trọng là phải có giọng hát ấm áp, truyền cảm, thuộc lời nhiều bài, nhiều cung quan làng (thơ lẩu).

Nhờ đó, khi thực hiện các nghi lễ đón rước dâu, người quan làng sẽ hát những cung quan làng thay cho lời chúc trong ngày đại hỷ, làm sao cho nhà gái nghe thật êm tai, thật hài lòng để cho đám rước dâu diễn ra thật suôn sẻ, tươi vui. Trong quá trình tiến hành các nghi lễ, nhà gái cũng sẽ có người đại diện đáp lại bằng những bài thơ mang nội dung chúc phúc cho đôi uyên ương, tạo nên một không khí thật vui vẻ, với những giai điệu ngân nga nhấn nhá khi bổng, lúc trầm mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền.

Vượt lên mọi khó khăn, trở ngại bằng nghị lực và tâm huyết của mình dành cho hát quan làng, sau hàng chục năm lặn lội tới các bản làng xa xôi hẻo lánh để gặp gỡ các nghệ nhân phỏng vấn, sưu tầm, ghi chép, biên dịch đến nay ông Đức đã tập hợp được hàng trăm cung văn quan làng

Ông đã phối hợp với một số nghệ nhân khác tập hợp, tuyển chọn, biên soạn cho Nhà Xuất bản Văn hóa Dân tộc) in ấn phát hành cuốn “Văn quan làng Tuyên Quang”, gồm 162 cung, ký tự bằng chữ Tày Latin, chữ Tày (Hán, nôm) và dịch nghĩa ra tiếng Việt.

Cuốn sách giúp người đọc nắm bắt được toàn bộ thủ tục nghi lễ trong đám cưới của người Tày như mời nhà trai vào nhà, mời trầu, mời trà, mời rượu, xin dâu, nhận dâu, căn dặn dâu rể, tất cả đều được thể hiện qua các bài thơ thất ngôn, với giai điệu mượt mà rung động lòng người.

LƯƠNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.