Mỗi nghệ nhân Then vừa là một nghệ sĩ tài hoa, vừa là một “kho tàng sống” về di sản văn hóa tín ngưỡng, tâm linh đặc sắc. Báo Dân tộc và Phát triển giới thiệu đến bạn đọc một số nghệ nhân Then tiêu biểu tham dự tại Liên hoan.
Nghệ nhân Bế Sơn Trung:Thầy giáo kiêm thầy Then: Sinh ra trong một gia đình có 8 đời làm pựt (Then) ở xóm Bản Co, xã Triệu Ẩu, huyện Phục Hòa (Cao Bằng), từ 9-10 tuổi, cậu bé Bế Sơn Trung đã theo cha đi làm Then tại nhiều gia đình trong và ngoài bản. Có “căn Then” nên lớn lên mặc dù đi học ngành Sư phạm và trở thành giáo viên dạy văn, thầy giáo Bế Sơn Trung vẫn dành nhiều thời gian nghiên cứu sách cổ bằng chữ Hán, chữ Nôm của gia đình để nắm được nội dung, ý nghĩa lời hát Then trong từng nghi lễ lẩu Then.
Năm 30 tuổi, thầy Then Bế Sơn Trung được cấp sắc bậc đầu tiên rồi lần lượt lên bậc 2 (38 tuổi), bậc 3 (49 tuổi), bậc 4 (năm 61 tuổi). Hiện nay, sau khi nghỉ hưu, nghệ nhân Bế Sơn Trung chỉ chuyên tâm vào việc làm Then và truyền dạy hát Then, đàn Tính cho bà con tại cộng đồng. Ông đã truyền nghề làm Then cho 16 đệ tử; mở 3 lớp dạy hát Then, đàn Tính cho 50 người dân và học sinh dân tộc Tày trong xã. Thời gian tới, ông đang dự kiến mở thêm một lớp dạy hát Then, đàn Tính cho 15 học viên người Tày của huyện Phục Hòa.
Thầy Then Bế Sơn Trung cho biết, hiện nay, các gia đình thường mời ông đến làm Then trong lễ kỳ an (cầu an-cầu sức khỏe) cho người già và trẻ nhỏ. Còn những “lầu Then” quy mô lớn như “Tìm vía Long Vương”-trích đoạn giới thiệu tại Liên hoan lần này thì vài ba năm, ông mới tổ chức một lần.
Nghệ nhân Then Đặng Xuân Hải:Vừa làm Then, vừa làm tạo: Làm Then mới khoảng 10 năm nay, nghệ nhân Đặng Xuân Hải đang theo dòng Then Bách Cổ-dòng Then từ Bảo Lâm, Bảo Lạc (Cao Bằng) “di cư” về. Ông là thầy Then duy nhất của xã Việt Lâm, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) được cấp sắc, gồm hai bằng: vừa làm Then vừa làm tạo.
Thầy Then Hải giải thích, trong tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Tày, Nùng, đường (phái) Then và đường tạo có những điểm khác nhau. Khi làm Then, qua lời diễn xướng của thầy Then hát trong nghi lễ, người nghe sẽ biết được đường đi, đường về từ trần gian lên mường Trời của các thần linh (quan quân Then). Còn làm tạo thì thầy Then chỉ mời thần linh xuống chứng giám, không diễn tả đường đi của các quan quân như làm Then. Tùy vào yêu cầu của từng gia đình trong các nghi lễ khác nhau, thầy sẽ làm Then hay làm tạo.
Để thành thạo nghề Then, ông Hải đã nhiều năm theo học sư phụ là thầy Then Lộc Đức Phòng, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên. Hiện nay, thầy Then Hải thường được các gia đình người Tày ở Vị Xuyên tin tưởng, mời về làm Then trong các lễ cúng mừng thọ cho người già, cầu an cho trẻ nhỏ, giải hạn, đám tang… “Trong toàn huyện Vị Xuyên hiện chỉ còn vài ba người làm nghề Then. Tôi đang cố gắng truyền dạy nghề cho 3-4 cháu. Nếu không có “căn Then” thì học 10 năm vẫn không làm thầy Then được, đó là cái khó của chúng tôi trong việc bảo tồn di sản Then nghi lễ”, nghệ nhân Đặng Xuân Hải trăn trở.
Nghệ nhân Đàm Thị Quyền:
Làm Then để giữ gìn văn hóa của dân tộc: Là người Tày Cao Bằng chuyển cư vào xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) hơn 30 năm nay, “bà Then” Đàm Thị Quyền vẫn say mê với di sản văn hóa của cha ông. “Hành nghề” Then 20 năm nay, bà được các gia đình người Tày, Nùng ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam mời đi làm Then quanh năm nên không mấy khi bà có mặt ở nhà.
Bà Then Quyền cho biết, xã Ea Tam có gần 9.000 người Tày, Nùng (chiếm khoảng 81% dân số toàn xã), vùng đất này được coi là một Việt Bắc thu nhỏ tại Tây Nguyên, nơi hội tụ nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc. Hơn 10 năm trở lại đây, khi cuộc sống của người dân các dân tộc Tày, Nùng ở Ea Tam từng bước ổn định, phát triển, chính quyền địa phương và người dân ngày càng quan tâm hơn đến đời sống văn hóa tinh thần. Theo đó, những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc từng bước được khôi phục và phát triển.
Vào rằm tháng Giêng hằng năm, xã Ea Tam đều mở Lễ hội Nàng Hai với ý nghĩa mời Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên-con gái của mẹ Trăng xuống thăm hạ giới và giúp trần gian trong công việc làm ăn sinh sống. Trong Lễ hội này, nghệ nhân Đàm Thị Quyền vào vai bà Then làm chủ lễ, dâng lễ lên trời mời Nàng Hai nhập vào 2 cô gái để hát đối đáp chúc phúc cho dân bản có một mùa màng bội thu, mạnh khỏe, hạnh phúc và chia sẻ với những người không gặp may mắn…
Nghệ nhân Then Đàm Thị Quyền cho biết, đây là lần đầu tiên bà được tham gia Liên hoan hát Then, đàn Tính toàn quốc. Được ra miền Bắc giao lưu hát Then, bà cảm thấy như đang được trở về nhà, trở về quê hương để tạ ơn tổ tiên đã tạo dựng, bồi đắp nên một kho tàng di sản văn hóa dân gian quý giá cho con cháu người Tày, Nùng.
NGỌC ÁNH