Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người nghệ nhân miệt mài nghiên cứu văn hóa Tày

PV - 11:07, 05/03/2020

Ở tuổi 93, ông Lương Long Vân, dân tộc Tày, thôn Yên Phú, xã An Tường (thành phố Tuyên Quang) vẫn miệt mài sưu tầm, biên dịch những cung Then cổ vừa truyền dạy, bảo tồn chữ Nôm - Tày. Những cuốn sách được ông cùng các nhà nghiên cứu văn học dân gian về văn hóa truyền thống dân tộc Tày đã trở thành những tài liệu quý, có hàm lượng tri thức cao, góp phần bổ sung, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc Tày.

Ông Vân luôn tâm huyết việc truyền dậy văn hóa Tày cho thế hệ mai sau. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Ông Vân luôn tâm huyết việc truyền dậy văn hóa Tày cho thế hệ mai sau. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Sinh ra ở xã Trùng Khánh (huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang), ông Lương Long Vân lớn lên trong lời Then Cọi của gia đình, làng bản. Tình yêu, sự gắn bó với văn hóa Tày đã theo ông từ khi còn nhỏ. Ông thường cùng anh trai đi theo các ông thầy Quan làng xem, học hỏi, giúp việc, trở thành đệ tử của các thầy Quan làng. Đam mê văn hóa Tày, đọc thông viết thạo chữ Nôm Tày, ông rất nhanh thuộc các bài hát. Ông đã học thuộc lòng, hát suốt đêm nhiều cung Then, bài Pụt trước sự ngỡ ngàng của các bậc cao niên.

Nghệ nhân Lương Long Vân chia sẻ, văn Quan làng nhà trai có 130 cung, văn Quan làng nhà gái cũng có đến 32 cung. Việc hát Quan làng trong đám cưới người Tày là nghi lễ mang tính giáo lý sâu sắc. Người Tày rất trọng lễ nghĩa, sống có trước có sau, mong muốn con cái họ thực yêu thương nhau, biết tôn kính dòng họ, cha mẹ.

Ông Vân cùng nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật Tống Đại Hồng. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Ông Vân cùng nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật Tống Đại Hồng. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Bên cạnh việc biên soạn, sưu tầm văn hóa đồng bào Tày, ông Lương Long Vân luôn canh cánh với việc truyền dạy chữ Nôm Tày cho thế hệ sau. Ông cho biết, chữ Nho, giờ là chữ Nôm của người Tày, vì người Tày biến chữ Nho này thành tiếng Tày. Một số dân tộc khác như Dao, Mông cũng có chữ Nho nhưng họ nói bằng tiếng của họ. Các con của ông (anh Lương Văn Lành, Lương Văn Dũng, Lương Văn Hoàng) luôn ủng hộ bố suốt quá trình nghiên cứu, bảo tồn văn hóa dân tộc và đều thành thạo đọc viết chữ Nôm-Tày.

Sau thời gian dài hoạt động công tác xã hội, cho đến khi về hưu, ông Lương Long Vân bắt đầu tập trung nghiên cứu sâu hơn về văn hóa Tày. Từ các cuốn sách Tày cổ gia truyền, ông viết lại và biên soạn thành nhiều cuốn sách quý như: “Văn Quan làng Tuyên Quang”, “Một số cung Then cổ chữ Nôm - Tày”… Trong đó, cuốn sách “Văn Quan làng Tuyên Quang” dày 410 trang do ông phối hợp cùng các tác giả Tống Đại Hồng và Ma Văn Đức, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh thực hiện là một tư liệu chuyên biệt về hát Văn Quan làng đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang.

Các tài liệu chữ Nôm - Tày được ông Vân lưu giữ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
Các tài liệu chữ Nôm - Tày được ông Vân lưu giữ. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Ông Tống Đại Hồng, nhà nghiên cứu Văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, được tiếp xúc, trao đổi về văn hóa dân gian của đồng bào Tày cùng nghệ nhân Lương Long Vân là một vinh dự. Những hiểu biết, niềm đam mê với văn hóa dân tộc Tày của ông như một kho tàng bất tận. Tuy tuổi đã cao, ông Vân vẫn có thể hát nhiều bài Then, đánh đàn Tính, đọc lưu loát các sách cổ chữ Nôm - Tày. Trong quá trình cùng viết sách về hát Quan làng, ông Vân luôn mong muốn tác phẩm của mình có thể được truyền thụ rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Tày, để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc trưng trước nguy cơ đang dần mai một. Nhà nghiên cứu Tống Đại Hồng cho biết đang phối hợp với Nghệ nhân Lương Long Vân biên soạn cuốn “Từ điển Nôm – Tày Tuyên Quang”. Cuốn sách sẽ là một bộ tài liệu quý bổ sung vào kho tàng ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào Tày ở Tuyên Quang.

Những cống hiến không biết mệt mỏi của nhà nghiên cứu Lương Long Vân góp phần giữ gìn, phát huy những tinh hoa, bản sắc, truyền thống của đồng bào dân tộc Tày. Các cuốn sách cổ do ông dày công lưu giữ còn là tài sản vô giá trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam. Với những đóng góp to lớn trong việc gìn giữ văn hóa dân tộc, năm 2017, ông vinh dự được Trung ương Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.