Mở lớp dạy Then miễn phí
Hát Then là một trong những di sản văn hoá đặc sắc của dân tộc Nùng ở Cao Bằng. Nội dung các khúc hát Then thường chứa đựng tình yêu thiên nhiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt với giai điệu mượt mà, sâu lắng, âm hưởng mềm mại, đầm ấm, tạo cảm giác gần gũi, thiêng liêng, sức truyền cảm mạnh mẽ.
Cứ thường lệ, cuối tháng 6 hằng năm, lớp học dân ca của huyện Quảng Uyên lại rộn ràng tiếng đàn hát của nhiều thanh-thiếu niên. Hoạt động này đã được huyện duy trì 4 năm nay. Mỗi tuần hai buổi, các em học sinh lại tập trung tại UBND huyện để tham gia lớp học. Khi thì tận dụng phòng thư viện, khi thì học tại phòng Lao động, Thương binh và Xã hội của huyện, lớp học diễn ra đều đặn trong niềm say mê hứng thú của những đứa trẻ.
Chị Nông Thị Thủy (sinh năm 1985) nhà ở thị trấn Quảng Uyên, cán bộ Phòng Văn hoá Thông tin huyện, người trực tiếp tham gia lớp dạy hát Then, đàn Tính chia sẻ, xã hội ngày càng hiện đại, trẻ em dân tộc cũng được tiếp xúc với Internet nhiều hơn nên có nhiều thú vui khác. “Nỗi lo mai một, thất truyền âm nhạc dân tộc là điều mà cán bộ văn hoá chúng tôi luôn trăn trở. Vì thế, Phòng Văn hoá Thông tin đã tham mưu cho huyện mở ra lớp học hát Then, đàn Tính miễn phí nhằm gìn giữ âm nhạc truyền thống và lan tỏa tình yêu văn hoá dân tộc đối với thế hệ trẻ”, chị Thủy cho biết.
Trưởng thành từ những hoạt động văn hoá, văn nghệ cộng đồng, từ khi lên 6 tuổi, Nông Thị Thủy đã được theo các bà, các mẹ đi hát Then trong những lễ hội truyền thống của huyện. Có lẽ từ lúc ấy, tình yêu với những làn điệu dân ca đã ngấm vào tâm hồn của chị. Thế nên, chị đã tình nguyện theo lớp học này từ những ngày đầu thành lập cho đến giờ.
“Chúng tôi đi tới từng lớp học của các trường, dán tờ rơi ở cổng chợ, cổng các trường học rồi thông báo cả trên Zalo, Facebook để tuyển sinh. Khó chồng khó khi nguồn kinh phí để duy trì lớp học rất hạn hẹp, nhưng chúng tôi luôn nghĩ chỉ cần tâm huyết, nhiệt tình thì các em vẫn sẽ đam mê và theo học”, chị Thủy cho biết.
Em Lý Thu Hường học viên của lớp chia sẻ: “Dù mới học được 2 tuần nhưng em và các bạn đều rất hứng thú. Em cảm thấy rất tự hào và biết mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn những điệu Then của dân tộc”.
Truyền lửa đam mê
Thành quả từ sự cố gắng, tận tâm của những cán bộ văn hoá là, số lượng học sinh theo học mỗi năm ngày càng tăng, có khi lên tới 40 em. Các lứa tuổi tham gia cũng rất phong phú, có em 6 tuổi đã thích học, có những phụ nữ gần 30 tuổi cũng đăng ký vào lớp. Nhiều nghệ nhân dân gian như nghệ nhân Nguyễn Duy Liêm được mời đến để giảng dạy và giao lưu, chia sẻ những câu chuyện xung quanh tiếng hát của người Nùng với các em.
Ngoài được học hát Then, hát Hà Lều, các em còn được học đàn Tính. Bởi người ta thường nói: “Không có đàn Tính thì hát Then không thể ngân vang, lời ca không thể dịu ngọt, tha thiết…”. Thế là những cây đàn Tính được các cán bộ Phòng Văn hoá ứng tiền ra mua trước cho học sinh tập luyện. Vừa tận dụng đàn mượn, vừa mua, thấy các em lần lượt thay nhau tập luyện với đàn Tính mỗi buổi học, những người đứng lớp như chị Thủy càng có động lực để tiếp tục công việc không lương, truyền lửa đam mê âm nhạc cho các học viên.
Ông Nguyễn Quang Khanh, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Quảng Uyên cho biết: Đây là một trong những hoạt động thiết thực để bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian của dân tộc Nùng nói riêng và văn hoá của vùng đất Cao Bằng nói chung. Qua những lớp học thế này, chúng tôi phát hiện ra nhiều tài năng trẻ. Không chỉ làm cho kỳ nghỉ hè của thanh thiếu niên được bổ ích, khi tham gia lớp học, một số em đã xác định được sở thích âm nhạc của mình. Đồng thời, các em sẽ trở thành những thành viên tham gia những hoạt động văn hoá, văn nghệ của huyện, tỉnh, tiếp nối truyền thống của các thế hệ trước.
HỒNG PHÚC