Duyên “trời định”
13 tuổi Hà Ngọc Cao bắt đầu theo học hát Then, chỉ 3 năm sau, người học trò ấy đã thuộc thông thạo các nghi lễ thờ cúng người Tày và các bài Then cổ. Với niềm đam mê, tâm huyết ông đã được thầy của mình tổ chức đại lễ “lẩu Then cấp sắc khai quang” (nghi lễ chính thức trở thành một thầy Then) khi vừa tròn 36 tuổi. Cũng từ đó, cái tên “Then Cao” ra đời, được nhiều người biết đến.
Then Cao luôn được các nhà trong làng, trong xã, thậm chí là ở các huyện, các tỉnh khác đón đi làm Then như: Cầu an, làm đầy tháng cho trẻ con, vào nhà mới, Then giải hạn, thôi tang… Đến nay, ông đã làm thầy Then được 23 năm với số nghi lễ thực hiện trung bình trong 1 năm từ 150 đến 200 lễ Then. Ông Cao cho biết, “Then” có nghĩa là “Thiên”, đó là lời nói, tiếng hát thần tiên, là cầu nối tâm linh mang theo lời thỉnh cầu, mong ước của người dương gian gửi tới thánh thần mong bình an, may mắn. Ai đã theo cái nghiệp này thì luôn tâm niệm một điều: “Sống cùng Then, chết cũng theo Then về trời”.
Trực tiếp xem Then Cao làm chủ buổi lễ Cầu Khoăn mới cảm nhận hết được sự kỳ công, linh thiêng. Trong trang phục áo mũ màu đỏ, trên tay cầm cây đàn Tính, thầy bắt đầu bằng một làn điệu Then cổ. Trình tự phải hát qua 24 chương, đoạn, và ông nhớ rất rõ lời hát ở tất cả các chương, đoạn trong lễ. Những lễ Then của ông luôn thu hút rất đông người đến dự, khiến cuộc Then trở thành buổi giao lưu, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng đặc sắc, ý nghĩa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Tày. Ông biết kết hợp nhuần nhuyễn các nghi lễ và hát các bài Then cổ với nhiều làn điệu như: Tàng bốc-Pây Cảnh, tàng tính, tàng nặm… Mỗi làn điệu kết hợp với đàn Tính mang lại những cách thể hiện riêng, lúc nhanh, lúc chậm, khi thì khoan thai, sâu lắng, khi thì ngân nga, da diết.
Ông luôn tâm niệm: “Then là hình thức nghệ thuật tổng hợp, có lời, có nhạc, có hóa trang và có biểu diễn. Làm thầy then không phải ai cũng làm được…”.
Bên cạnh việc thực hiện các nghi lễ Then, ông Hà Ngọc Cao tích cực tham gia biểu diễn Then tại các liên hoan hát Then, đàn Tính do địa phương và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đặc biệt, trong Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc tại Tuyên Quang năm 2015, ông Cao giữ vai trò chính cùng với tốp nghệ nhân của tỉnh trình diễn trích đoạn “Lễ Cầu Khoăn”. Đây cũng là tiết mục diễn xướng Then cổ được trao Huy chương Vàng tại Liên hoan cấp quốc gia năm đó.
Trao truyền vốn cổ
Ngoài sự am hiểu về nghi lễ thờ cúng và Then cổ, ông Cao còn là một người sở hữu kho báu quý giá. Đó là những bộ sách cổ hơn 100 năm tuổi được tiền nhân đúc kết, trao truyền từ đời này sang đời khác. Đau đáu với chữ viết dân tộc mình, thế nên mỗi ngày ông Cao vẫn cần mẫn chép lại từng cuốn sách cổ theo cách thủ công vì một khát khao “neo giữ” chữ Nôm Tày ở lại trong cuộc sống tất bật ngày hôm nay.
Ông tâm sự, chữ nôm Tày gắn liền với các sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Tày. Tuy nhiên, hiện nay người biết đọc, biết viết không còn nhiều. Đó chính là trăn trở để ông Cao đến với nghiệp truyền dạy chữ cho thế hệ trẻ.
Những năm qua, lớp học do ông tổ chức thu hút nhiều người, không chỉ người Tày trong vùng mà còn có cả người ở Yên Sơn, Na Hang, Bắc Quang (Hà Giang)… cũng “gõ cửa” xin nhập học. Anh Nông Đức Long, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) nói: “Trước đây, tôi chỉ biết nói chứ không biết viết chữ Tày, được theo học tôi càng thấy chữ của người Tày mình rất hay. Đây là kho tàng kiến thức để sau này còn truyền dạy cho con cháu”.
Có những người ở xa đến, tranh thủ thời gian ông dạy liên tục để họ sớm hoàn thành khóa học. Ông cũng sẵn sàng truyền dạy cho các học trò về nghi lễ thờ cúng. Với cách giảng dạy linh hoạt, “học đi đôi với hành”, ông cho học viên tham dự những nghi lễ để luyện tập và làm quen dần. Anh Ma Văn Tính, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) chia sẻ: “Tôi là người Tày, nhưng chưa biết viết, đọc chữ Tày. Tôi theo học với mong muốn mình hiểu thêm về nguồn gốc dân tộc, học hỏi cách thực hiện các lễ nghi để sau này có thể tự phục vụ công việc của gia đình, đồng thời góp phần giữ gìn văn hóa dân tộc. Nhờ cách giảng dạy dễ hiểu của thầy Cao, sau 3 tháng tôi đã đọc viết thông thạo tiếng Tày và hiểu hơn về các nghi lễ”.
Khi nhớ về lớp lớp thế hệ học trò bao năm theo học cùng mình, thầy Cao không thể nhớ nổi số lượng. Ông bày tỏ: “Cứ ai đến xin theo học là mình sẵn sàng nhận dạy miễn phí. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 người học. Còn việc “đào tạo” người làm Then là do cái duyên trời định, trời ban, mình phải làm đến nơi đến chốn. Bởi Then là mạch nguồn tâm linh thành kính trời đất, tổ tông trong văn hóa người Tày”.
Âm thầm, lặng lẽ làm công việc mình yêu thích với tất cả sự nỗ lực, ông Hà Ngọc Cao đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa của dân tộc Tày. Với ông, niềm vui lớn nhất là mỗi ngày được nghe thế hệ trẻ hát những làn điệu Then cổ, nhìn học trò đọc thông, viết thạo tiếng Tày… Tất cả những điều đó tạo cho ông động lực để không ngừng cống hiến, truyền dạy và mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp sẽ còn tiếp tục được gìn giữ và phát huy cho đến mãi về sau.