Theo đó, Ngày hội Hội quán Đất Sen hồng sẽ diễn ra trong 2 ngày 18 - 19/11, tại quảng trường Văn Miếu, Tp. Cao Lãnh; trưng bày giới thiệu hình ảnh, hiện vật, nông sản, sản phẩm chế biến, sản phẩm OCOP từ các hội quán và nhiều hoạt động khác (hội thảo, tọa đàm, hội thi, ẩm thực, tham quan, văn hóa văn nghệ...).
Tại buổi Họp báo, ông Lê Thành Công - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp cho biết, đây là sự kiện quan trọng, ấp ủ trong một thời gian dài của địa phương với mô hình hội quán từng góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội.
“Mô hình hội quán đã phát huy tinh thần hợp tác, liên kết trong nông nghiệp, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến xây dựng mô hình làng thông minh, làng hạnh phúc không phải của chỉ riêng một địa phương, hay một tổ chức, cá nhân”, ông Lê Thành Công nhận định.
Ông Huỳnh Tấn Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Sản xuất nông nghiệp đã phát triển thành chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu giống, nuôi trồng, chế biến, đông lạnh đến vận chuyển và thực hiện hậu cần xuất khẩu... theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Do đó, các hội quán rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động thành viên tích cực tham gia mô hình sản xuất tiêu biểu và liên kết tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; chia sẻ kinh nghiệm sản xuất theo hướng mới, kết nối doanh nghiệp với nông dân để liên kết sản xuất - tiêu thụ, hợp tác sản xuất theo hướng nông sản sạch, chất lượng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP đủ tiêu chuẩn vào các siêu thị và hướng đến xuất khẩu, tham gia thực hiện chương trình OCOP tạo ra nhiều sản phẩm giá trị gia tăng.
“Thông qua ngày hội này, địa phương kỳ vọng sẽ là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công và khu vực tư nhân. Có thể nói, người dân Đồng Tháp luôn mang trong mình những khát khao, ước vọng đổi đời và Ngày hội “Hội quán Đất Sen hồng - Hành trình đồng hành cùng phát triển” mang đến những ước vọng đó… Và, đã đến lúc mô hình hội quán phải được nhìn nhận đúng tầm giá trị ”, ông Huỳnh Tấn Đạt nói.
Mô hình Hội quán ở Đồng Tháp được thành lập thông qua hình thức liên kết tự nguyện của nông dân, nhằm chia sẻ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh. Thời gian qua, mô hình hội quán đã phát huy hiệu quả tích cực tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Từ Canh Tân Hội quán - mô hình Hội quán đầu tiên được thành lập vào tháng 7/2016 tại xã An Nhơn, huyện Châu Thành (Đồng Tháp), đến nay, tỉnh Đồng Tháp đã có 135 hội quán với hơn 7.000 thành viên. Từ nền tảng hội quán đã có gần 40 hợp tác xã được thành lập.