Trước đó, đầu tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Công điện số 610/CĐ-TTg về việc tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo. Tới ngày 5/8, Thủ tướng tiếp tục ký Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm nhà máy chế biến gạo của Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam (VINARICE) tại Cụm công nghiệp Trường Xuân, xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười.
VINARICE là đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (VINASEED) - tập đoàn giống cây trồng hình thành sớm nhất và đồng hành cùng sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Với tổng vốn đầu tư trên 350 tỷ đồng, Nhà máy VINARICE có công suất sấy và chế biến 50.000 tấn hạt giống và 100.000 tấn gạo/năm, với hệ thống dây chuyền công nghệ sấy và chế biến hiện đại, đồng bộ, hoàn toàn tự động của Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi đến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nông nghiệp luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, là trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Chúng ta phải xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả; dựa vào nguồn lực bên trong là cơ bản, quyết định, chiến lược, lâu dài (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống lịch sử văn hóa), đồng thời coi trọng nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá, do đó phải tích cực hội nhập, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Qua khảo sát, Thủ tướng đánh giá Công ty là một trong những đơn vị đang thực hiện tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo định hướng nông dân văn minh, có thu nhập cao, nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại; đồng thời đa dạng hoá sản phẩm, tích cực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thủ tướng cho rằng, phải tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; chú trọng đầu tư, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt nói chung và của Công ty nói riêng; quy hoạch vùng nguyên liệu với quỹ đất hợp lý; bảo đảm lợi ích phù hợp cho người nông dân; góp phần công nghiệp hoá nông thôn.
Cùng với đó, coi trọng chế biến sâu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiến tiến vào sản xuất sạch, năng suất, chất lượng cao, với giống chất lượng, kỹ thuật canh tác phù hợp; bao bì, mẫu mã hấp dẫn; làm tốt việc truy xuất nguồn gốc gắn với chuyển đổi số; tiến hành quy trình sản xuất tiên tiến, xanh, giảm phát thải khí methane; tích cực hợp tác bền vững với các đối tác, coi trọng văn hoá, đạo đức kinh doanh, phát huy truyền thống, đạo lý của con người Việt Nam.
Đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết "5 nhà" bao gồm: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, nhà kinh doanh (bao gồm ngân hàng) và người tiêu dùng, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ". Công ty phải có hệ sinh thái là các hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ nông dân với thoả thuận hợp tác lâu dài, hài hoà lợi ích, ổn định thị trường, phát triển văn hoá kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong lúc này, nâng cao thu nhập, đời sống người nông dân.
* Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến khảo sát mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất lúa và làm việc với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thắng Lợi (ấp 5, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười).
Hợp tác xã được thành lập năm 2002, với vốn góp hơn 1 tỷ đồng, đến nay có 95 thành viên, trong đó có 10 đảng viên.
Những năm qua, Hợp tác xã đã xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả (ứng dụng cơ giới hoá đồng bộ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất) giúp xã viên nâng cao thu nhập, đời sống ngày càng được cải thiện.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, mô hình này của Hợp tác xã Thắng Lợi đang đi đúng chủ trương, đường lối của Đảng là xây dựng nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh. Đây cũng là mô hình phát triển xanh với các yếu tố kinh tế tuần hoàn của hợp tác xã, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Đặc biệt, Hợp tác xã đã đi đầu trong liên kết sản xuất giống và lúa hàng hóa; đang thực hiện sản xuất lúa theo tiêu chuẩn lúa gạo bền vững (SRP), tuân thủ 41 tiêu chuẩn quy định, như: Không sử dụng trẻ em trong sản xuất, tưới nước ngậm khô xen kẽ bằng hệ thống cảm biến mặt nước, góp phần giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận cho nông dân.
Thủ tướng đồng thời biểu dương sự nỗ lực của Đồng Tháp đã thực hiện hiệu quả các nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hợp tác xã.
Thủ tướng đề nghị Hợp tác xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm kết nối, khai thác hiệu quả kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ năng sản xuất; kết nối nhanh chóng, kịp thời giữa sản xuất với thị trường.
Cùng với đó, tiếp tục thực hiện sản xuất xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm; thúc đẩy cơ giới hoá, nâng cao năng suất lao động; xây dựng thương hiệu; giảm chi phí đầu vào để nâng cao hiệu quả sản xuất; góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta không đổi mới thì sẽ bị giới hạn, không thể tiếp tục phát triển; do đó, phải tiếp tục đổi mới tư duy về sản xuất nông nghiệp, nhất là chuyển đổi số, số hoá đồng ruộng, chú ý xây dựng các cơ sở dữ liệu (như sâu rầy, độ chua phèn của đất…).
Các doanh nghiệp cần cam kết hợp tác ổn định với nông dân, hợp tác bền vững, hỗ trợ, hợp tác với nông dân về thị trường, phân bón, thuốc trừ sâu, thiết bị, đầu ra...