Phát biểu ý kiến gợi mở, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 2/4/2022 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra yêu cầu phát triển vùng nhanh và bền vững, trong đó đặt ra yêu cầu cơ cấu lại dân cư, không gian, tổ chức sản xuất, các hoạt động khác liên quan khu vực.
Thủ tướng đánh giá Đồng Tháp bám sát Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước. Đây là vấn đề hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhưng yêu cầu mới đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy, không khép kín, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả, lâu dài, chuỗi sản xuất mới phù hợp tình hình.
Theo Thủ tướng, phải đổi mới tư duy, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân; tư duy đổi mới là có nguồn lực.
"Đồng Tháp bám sát Nghị quyết của Đảng về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tích cực sản xuất lương thực, góp phần bảo đảm an ninh lương thực của đất nước".
Thủ tướng Phạm Minh Chính
Nêu rõ, qua khảo sát các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng trước việc tiến độ các công trình này được đẩy nhanh, Ban quản lý dự án, các đơn vị trưởng thành nhanh qua các dự án này, trong đó là nhờ sự phân cấp, phân quyền, giải quyết được nguồn nguyên vật liệu, do đó công trình càng sớm hoàn thành càng sớm đóng góp cho sự phát triển, tạo không gian phát triển mới.
Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Tháp có truyền thống lịch sử hào hùng, là nơi đào tạo các cán bộ cho Trung ương. Do đó, tại buổi làm việc này, Thủ tướng mong tỉnh thảo luận kỹ về vấn đề tự lực, tự cường, đi lên từ nội lực; đánh giá sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tỉnh đã làm được gì, chưa làm được gì, bài học kinh nghiệm rút ra là gì? Sau đó, các bộ ngành cũng cho ý kiến đóng góp để tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung công việc rất nhiều (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ… ) yêu cầu phát triển thì cao, trong khi thời gian ngắn, phạm vi rộng, chất lượng đòi hỏi cao, do đó mong các đại biểu phát biểu phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề chính với mục tiêu đưa Đồng Tháp phát triển nhanh và bền vững, bao trùm, đóng góp vào việc phát triển vùng.
* Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, về kết quả đạt được trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023: kinh tế phục hồi và tiếp tục phát triển ổn định: Tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 8,62%, quy mô kinh tế đạt 100.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng (tương đương 2.675 USD). Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 34% so năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, GRDP tăng trưởng 5,89% (xếp thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long), trong đó, khu vực nông - lâm - thuỷ sản tăng 5,38%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,53%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 6,48%. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được tập trung thực hiện, giúp ổn định kinh tế. Các ngành hàng lúa gạo, thủy sản, xoài, hoa kiểng phát triển mạnh theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất nguyên liệu thô đến các khâu chế biến tinh gia tăng giá trị nông sản gắn kết với thị trường.
Trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp có sản lượng lúa xếp thứ 3 (hơn 3 triệu tấn mỗi năm); diện tích trồng xoài xếp thứ nhất (khoảng 14.000 ha, sản lượng 137.000 tấn); sản lượng cá tra xếp thứ nhất (hơn 500.000 tấn, xuất khẩu qua 134 quốc gia, kim ngạch khoảng 900 triệu USD). Nông sản Đồng Tháp đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU.
Mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp số đã hình thành và phát triển mạnh ở Đồng Tháp, tạo ra những chuỗi giá trị sản phẩm chất lượng cao. Cụ thể, đã có trên 357 sản phẩm OCOP, xếp thứ 3 cả nước.
Điểm nổi bật là Đồng Tháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 109/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 94,8% (trong đó có 15% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu cuối năm sẽ có 100% xã và 8/12 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh đề ra đến năm 2025).
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư: tỉnh đang tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông, xem đây là mũi đột phá, từ đầu năm 2021 đã triển khai đồng loạt 23 công trình giao thông trọng điểm, đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung ương đã khởi công dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu vào ngày 25/6/2023 và đang phối hợp Bộ Giao thông vận tải để triển khai cao tốc Cao Lãnh - Mỹ An.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng hạ tầng Khu Cụm công nghiệp (đã thành lập 5 khu công nghiệp và 16 cụm công nghiệp): hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Tân Kiều để đưa vào hoạt động trong cuối năm 2023; triển khai Dự án Hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp (giai đoạn 3); thành lập Cụm công nghiệp An Hòa, Quảng Khánh, thực hiện thủ tục thành lập mới Khu công nghiệp Ba Sao; hiện có 3 khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy 88,5%; có 12 cụm công nghiệp đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 85,3%...