Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng bào Rơ Măm ở làng Le trên đường thoát nghèo bền vững

Hòa Bình - 18:40, 09/11/2023

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các chính sách đầu tư cho các dân tộc rất ít người, đời sống của đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum đã đổi thay rõ nét. Qua đó, giảm dần sự chênh lệch về khoảng cách phát triển của dân tộc Rơ Măm với các dân tộc khác trong vùng.

Đồng bào Rơ Măm đang nỗ lực vươn lên từng ngày, xây dựng cuộc sống ngày một ấm no
Cuộc sống kinh tế được cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống được đồng bào Rơ Măm chú trọng bảo tồn và phát huy

Đồng bào Rơ Măm là 1 trong 2 DTTS ít người ở tỉnh Kon Tum, với 178 hộ, 536 nhân khẩu sinh sống tại Làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Những năm qua, tỉnh Kon Tum luôn quan tâm triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào Rơ Măm.

Cụ thể, giai đoạn 2017 - 2025, triển khai thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội DTTS rất ít người Rơ Măm đến năm 2025, với tổng kinh phí gần 91 tỷ đồng.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 -2025 (Chương trình MTQG 1719) và Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, đã có tổng mức vốn đầu tư hơn 19 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này, tỉnh đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sinh kế cho các hộ.

Cụ thể, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719, năm 2022, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025, kinh phí giao năm 2022, 2023 là gần 6,6 tỷ đồng.

Trong đó, tỉnh Kon Tum đã hỗ trợ cho các bà mẹ mang thai, phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số và đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, trình độ năng lực sản xuất; truyền dạy nghề truyền thống… Hiện tại, tỉnh Kon Tum đang triển khai Dự án xây dựng các công trình thực hiện đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người (dân tộc Rơ Măm) theo nội dung Đề án với 2 danh mục là nâng cấp, sửa chữa, cải tạo đường nội thôn và nhà Rông văn hóa Làng Le.

Gần 1.000 học sinh là con em đồng bào Rơ Măm được hưởng chính sách hỗ trợ học tập 30% - 100% mức lương cơ sở/học sinh/tháng với tổng kinh phí thực hiện hơn 8 tỷ đồng.
Học sinh là con em đồng bào Rơ Măm được hưởng chính sách hỗ trợ học tập 30% - 100% mức lương cơ sở/học sinh/tháng, với tổng kinh phí thực hiện hơn 8 tỷ đồng.

Qua đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh, bước đầu Đề án đã góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất cho hộ gia đình; hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cho học sinh từ 3 - 5 tuổi, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai, phụ nữ sinh con đúng chính sách dân số; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Rơ Măm.

Chị Y Hủi chia sẻ: Nhờ có sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức giữ nghề truyền thống của phụ nữ, thổ cẩm của đồng bào Rơ Măm được duy trì và phát triển. Nhiều chị em phụ nữ trong làng đã cùng nhau học nghề, khôi phục lại nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm dệt thổ cẩm đa dạng, mẫu mã đẹp mắt. Từ đó, chị em vừa tự phục vụ nhu cầu trang phục, vừa bán để có thêm thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, đời sống của dân tộc Rơ Măm đã có những thay đổi theo tiêu chí nông thôn mới: Hệ thống cơ sở hạ tầng đã được đầu tư cơ bản. Các trục giao thông chính trong Làng Le đã đảm bảo cứng hóa, giao thông thông suốt đến trung tâm xã, huyện, tỉnh, tạo điều kiện cho người dân đi lại, phục vụ sản xuất, vận chuyển nông sản sau thu hoạch được thuận lợi hơn, góp phần phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào...

Cuộc sống ổn định, đồng bào Rơ Măm quan tâm chăm lo đến việc học tập của con em và dần xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, chung tay gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Theo lời Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Le A Thái kể, trước kia, người Rơ Măm nếu chết do tai nạn, ốm đau tại bệnh viện thì không được đưa về làng, nhưng nay việc này đã không còn. Các nghi lễ ma chay, cưới hỏi, lễ hội cũng được tổ chức gọn nhẹ, bà con cũng đã tiết kiệm được tiền, tập trung lo kinh tế gia đình.

Đồng bào Rơ Măm đã “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” tập trung trồng cây điều, cao su... nâng cao thu nhập
Đồng bào Rơ Măm đã “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, tập trung trồng cây điều, cao su... để có thu nhập cao hơn

Điều phấn khởi khác, trước kia đồng bào Rơ Măm chỉ biết canh tác cây lúa rẫy, trồng cây mì (sắn), thì giờ đây bà con đã “thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trồng được hơn 260 ha cây công nghiệp, chủ yếu là cao su, điều, cà phê và chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa. Số hộ nghèo giảm còn 46 hộ, số hộ cận nghèo giảm còn 27 hộ. Làng Le đã đạt 4/10 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Ông Phạm Quang Thắng, Chủ tịch UBND xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum thông tin: Đồng bào Rơ Măm ở làng Le đã biết sản xuất lúa vụ mùa, vụ đông xuân, biết trồng chăm sóc cây cao su, chuyển đổi một số cây trồng kém hiệu quả sang trồng những loại cây, nuôi những con vật có giá trị kinh tế cao hơn. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 25,5 triệu đồng.

Tỉnh Kon Tum phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người Rơ Măm đạt 30 triệu đồng/người/năm; giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 20% so với đầu năm 2020, mức sống bình quân tương đương với các dân tộc khác trong vùng; tăng số lượng cán bộ dân tộc Rơ Măm tham gia trong hệ thống chính trị ở cơ sở; 100% số hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sản xuất, khuyến nông, khuyến lâm…

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.