Hỗ trợ nhà ở cho bà con DTTS
Huyện Đam Rông gặp nhiều khó khăn trong việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho người dân bởi địa phương không có quỹ đất. Bên cạnh đó các công trình nước sạch tập trung không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của bà con trong huyện. Trước thực tế đó, địa phương đã ưu tiên thực hiện giải quyết tình trạng thiếu nhà ở cho bà con DTTS.
Đây cũng là một trong những việc cần thực hiện thuộc Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con đồng bào DTTS. Do nhu cầu về nhà ở của bà con DTTS ở huyện Đam Rông tương đối lớn. Địa phương đã tích cực rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG 1719 để bà con sớm “an cư lạc nghiệp”.
Cụ thể, trong gia đoạn 2021- 2025, huyện Đam Rông được phân bổ chỉ tiêu 281 căn nhà với giá trị hỗ trợ 46 triệu đồng/căn, tổng nguồn vốn hơn 12 tỷ đồng. Trong năm 2023, địa phương đã triển khai đợt 1 xây hơn 20 căn nhà ở các xã Đạ Tông, Đa M’rông, Đạ Long, Liêng S’rônh.
Gia đình anh Liêng Jang Ha Đoanh, xã Đa M’rông thuộc diện nghèo của xã, hai vợ chồng phải sống trong căn nhà gỗ dựng tạm, thu nhập bấp bênh nên không có tiền xây nhà. Nay được hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà ở, gia đình anh Đoanh đã có căn nhà mới khang trang, kiên cố rộng 40m2. Căn nhà mới là động lực để vợ chồng anh Đoanh yên tâm sản xuất phát triển kinh tế tốt hơn.
Là một trong những gia đình được hỗ trợ nhà ở để phấn đấu vươn lên thoát khỏi cái nghèo, gia đình bà R’Ông K’Brê, xã Đạ Tông cũng vừa hoàn thiện căn nhà rộng 60m2 vô cùng rộng rãi thay cho căn nhà gỗ cũ kỹ, chật chội trước đây. Có nhà mới, gia đình bà K’Brê mừng vui và yên tâm để phát triển 1ha cà phê, bắp, quyết tâm thoát khỏi cái nghèo.
Nâng cao thu nhập cho người dân
Đam Rông là địa phương có xuất phát điểm thấp, do vậy huyện đã xác định những biện pháp mang tính lâu dài để giúp người dân thoát nghèo bền vững. Địa phương đã chú trọng việc dạy nghề cho lao động người DTTS để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, công tác dạy nghề được gắn liền với khâu sản xuất cũng như khâu tạo việc làm để giải quyết lực lượng lao động ở địa phương cũng như giúp người dân nâng cao thu nhập. Qua những lớp dạy nghề, bà con DTTS có thể tiếp cận với các kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất để nâng cao hiệu quả.
Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình canh tác, sản xuất để nâng cao chất lượng. Trước đây bà con ở Đam Rông thường trồng cà phê và một số loại cây trồng khác nhưng không hiệu quả. Nhận thấy khí hậu, đất đai và tài nguyên thiên nhiên ở Đam Rông rất thích hợp để phát triển mô hình trồng dâu nuôi tằm, chính quyền địa phương đã vận động nhiều gia đình đồng bào DTTS thay đổi phương thức sản xuất.
Gia đình chị Ka M’Rao là một trong những gia đình đầu tiên ở xã Đạ M’rông chuyển đổi sang mô hình trồng dâu nuôi tằm. Trước kia gia đình chị chỉ trông chờ vào nguồn thu từ vườn bắp, lúa nước nên cuộc sống khó khăn, thu nhập ít ỏi. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ nông cụ để trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị đã quyết tâm chuyển đổi mô hình sản xuất.
Ban đầu chị cũng gặp nhiều khó khăn do có nhiều kiến thức chăm sóc nhưng được tham dự các lớp tập huấn chị đã áp dụng có hiệu quả vào sản xuất dâu và kén. Hiện tại, mỗi kén tằm đạt tiêu chuẩn được thương lái thu mua với giá 180.000 -200.000 đồng/kg, gia đình chị có nguồn thu ổn định, cuộc sống không còn khó khăn như trước.
Từng canh tác 5,5 sào bắp nhưng sản lượng hằng năm thấp, không đủ trang trải cuộc sống nên gia đình ông Liêng Jrang Ha Ba, xã Đạ M’rông vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Được chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ, gia đình ông Ha Ba đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng bắp sang trồng dâu. So với việc trồng bắp, thu nhập từ trồng dâu nuôi tăm đem đến cho gia đình ông Ha Ba cao hơn nhiều, hơn nữa vốn đầu tư thấp, có thể quay vòng vốn nhanh.
So với việc canh tác cà phê hay các loại cây ăn quả, cây nông nghiệp trước đây của nhiều bà con dân tộc ở Đam Rộng, mô hình trồng dâu nuôi tằm đem đến giá trị lợi nhuận cao hơn và thị trường ổn định hơn. Rất nhiều bà con trong huyện đã chuyển đổi mô hình và gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm. Hiện tại, địa bàn huyện Đam Rông có 600ha dâu và trên 2.000 hộ dân nuôi tằm.