Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Gia Lai: Chương trình MTQG 1719 đang phát huy hiệu quả

Minh Thu - 06:52, 23/12/2023

Gia Lai là địa phương có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 46,23% và đồng bào Ba Na và Jrai có số dân đông nhất. Nhờ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), đời sống của đồng bào DTTS nơi đây đã có nhiều khởi sắc.

Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kông Chro được hỗ trợ lúa giống để sản xuất.
Đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Kông Chro được hỗ trợ lúa giống để sản xuất.

Huyện Kông Chro là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn nhất tỉnh Gia Lai. Đồng bào DTTS chiếm 74,21% dân số toàn huyện, trong đó chủ yếu là dân tộc Ba Na (67%). Thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tuy nhiên cuộc sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (39,69%).

Để giúp người dân yên tâm định canh, định cư, thay đổi tập quán sản xuất, huyện Krông Chro đã hoàn thành một số công trình nổi bật như: Dự án bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai làng Brang, xã Đak Pling cho 60 hộ, Dự án bố trí dân cư vùng thiên tai cho 40 hộ và Dự án bố trí ổn định dân di cư tự do xã Chư Krêy cho 43 hộ.

Ở xã Ia Lâu, gia đình ông Siu Sên với 8 nhân khẩu lại thiếu đất sản xuất nên nhiều năm nay vẫn thuộc diện hộ nghèo của thôn. Vợ chồng ông không có công ăn việc làm ổn định, ngôi nhà ngày càng trở nên chật chội nhưng không có tiền tu sửa. Nhờ được sự hỗ trợ kịp thời của các cấp các ngành, gia đình ông Sên đã xây dựng ngôi nhà mới rộng rãi, khang trang rộng gần 100m2.

Không chỉ hỗ trợ, ổn định nhà ở cho đồng bào DTTS, chính quyền huyện Kông Chro còn chú trọng việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, huyện huy động các nguồn lựa để triển khai giúp người dân thay đổi mô hình sản xuất, thoát nghèo bền vững. Huyện Krông Chro đã hỗ trợ hơn 1.000 bò sinh sản cùng phân bón, cây trồng cho người dân cũng như tập huấn, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi để người dân thay đổi tập quán sản xuất cũ.

Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, nhiều gia đình DTTS ở Krông Pa đã xây dựng được ngôi nhà mới. Ảnh: Lê Nam
Nhờ sự hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, nhiều gia đình DTTS ở Krông Pa đã xây dựng được ngôi nhà mới. Ảnh: Lê Nam

Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Dung, xã An Trung từng chỉ biết trông chờ vào 1ha đất trồng mì, hoàn cảnh gia đình khó khăn, con cái còn nhỏ. Nay gia đình chị được chính quyền địa phương hỗ trợ mở rộng mô hình sản xuất chăn nuôi bò. Áp dụng kiến thức chăn nuôi được học từ các lớp tập huấn, bò của gia đình chị nay đã tăng lên 3 con. Không những vậy, ngôi nhà mới khang trang, kiên cố mà gia đình chị mới xây cũng được sự hỗ trợ của địa phương. Có nhà mới, mô hình chăn nuôi hiệu quả, gia đình chị Dung thêm yên tâm sản xuất để phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Với huyện Krông Pa, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn và thiếu thốn. Tỷ lệ hộ nghèo cao, do vậy nhiều gia đình vẫn sống tại những ngôi nhà tạm bợ trong thời gian dài. Hơn nữa khí hậu khắc nghiệt khiến mùa màng thất thu, người dân thiếu đất sản xuất nhất là ở những buôn làng vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Krông Pa sẽ triển khai 6 dự án bao gồm, Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS cùng Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến nay, huyện Krông Pa đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 390 hộ đồng bào DTTS, bà con các buôn không còn phải lo cảnh thiếu nước vào mùa khô.

Trước đây, vào mùa khô để có nước uống, sinh hoạt, người dân buôn Ma Giai và Ia Rpua, xã Đất Bằng phải đi lấy nước ở khe suối cách rất xa. Việc lấy nước không chỉ xa mà còn tốn nhiều thời gian, thậm chí mất cả ngày. Người dân phải tranh thủ tắm giặt khi đi lên rẫy. Không những thế, vào mùa khô, nương rẫy không đủ nước để sản xuất, trồng trọt, nước cho gia súc uống cũng khó khăn.

Đoàn công tác huyện Krông Pa kiểm tra hệ thống cấp nước sạch tại xã Đất Bằng. Ảnh: Lê Nam
Đoàn công tác huyện Krông Pa kiểm tra hệ thống cấp nước sạch tại xã Đất Bằng. Ảnh: Lê Nam

Nhưng nay, mọi chuyện đã khác trước, nước sạch đã về tận nhà dân. Ông La O Loang, buôn Ma Giai chia sẻ: Ông rất vui khi có nước về tận nhà, toàn buôn ai ai cũng mừng vui vì không phải lo cảnh xách từng bình đi lấy nước ở suối vào mùa khô nữa.

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, chính quyền địa phương đã huy động nguồn lực để hỗ trợ người dân sửa chữa, xây dựng nhà ở kiên cố hơn. Gia đình anh Ksor Phốt, xã Chư Ngọc vốn đông nhân khẩu nhưng lại chỉ có thể sống trong căn nhà xiêu vẹo, xập xệ nhiều năm nay vì thuộc hộ nghèo của xã, cuộc sống khó khăn. Cả gia đình anh không đủ chỗ để sinh hoạt, vào mùa mưa, nắng lại càng thêm vất vả. Nay được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn, gia đình anh đã có thể xây dựng căn nhà mới khang trang, rộng 75m2. Có được căn nhà mới, gia đình anh Ksor Phốt càng thêm yên tâm và có động lực để lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Đến nay, triển khai Dự án 1, Chương trình MTGQ 1719, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ 3.425 hộ dân có nhà ở; 1.162 hộ dân được hỗ trợ đất ở và 11.590 hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất. Cùng với đó tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 6.463 hộ dân, đồng thời hàng nghìn hộ dân cũng được hỗ trợ nước sinh hoạt. Đây chính là tiền để, là động lực để đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh vươn lên ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.