Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Diện mạo mới ở vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên

Minh Thu - 07:43, 23/12/2023

Đồng Xuân, Sông Hinh và Sơn Hòa là 3 huyện có đông đồng bào DTTS của tỉnh Phú Yên sinh sống. Nhờ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), cuộc sống của đại bộ phần đồng bào DTTS đã ngày một đổi thay, kết cấu hạ tầng được đảm bảo, đời sống kinh tế - xã hội ngày một phát triển.

Anh Ma Đuông chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Văn Thùy
Anh Ma Đuông chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Văn Thùy

Huyện Sông Hinh có gần 50% dân số là đồng bào DTTS. Trong đó có một số xã đặc biệt khó khăn như Ea Lâm. 24 năm trước, xã Ea Lâm được biết đến là xã không đường, không điện, không nước sạch, không trường, không chợ, không trạm xá và không trụ sở. Nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng các chương trình hỗ trợ cho đồng bào DTTS, nay xã Ea Lâm đã có những đổi thay tích cực. Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, hệ thống công trình thủy lợi đảm bảo cho bà con sinh hoạt, sản xuất, đời sống người dân ngày càng ổn định.

Trước đây, gia đình anh Ma Đuông có hơn 1ha đất nhưng vẫn loay hoay không biết tìm cây trồng gì cho phù hợp, thu nhập vào cây lúa không đủ để trang trải cuộc sống. Được sự tư vấn và giúp đỡ cây giống chất lượng từ địa phương, gia đình anh Đuông đã quyết định chuyển đổi 1ha đất sang trồng sầu riêng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở Ea Lâm. Nhờ các kiến thức chăm sóc đã được học cùng cây giống chất lượng, vườn sầu riêng của gia đình anh Đuông phát triển tốt, đem đến nguồn thu nhập ổn định.

Cùng với việc tư vấn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng chuyên canh phù hợp, chính quyền xã Ea Lâm cũng đã tìm đầu ra cho nông sản trên địa bàn xã. Xác định cây mía, cây sắn là cây trồng chủ lực trên địa bàn huyện với 70% diện tích nông nghiệp, chính quyền địa phương đã liên kết với các nhà máy chế biến nông sản để tìm đầu ra cho sản phẩm, giúp bà con yên tâm canh tác.

Anh Ma Đuông chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình. Ảnh: Văn Thùy
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang là một trong những hướng đi mới trong vùng đồng bào DTTS ở Phú Yên

Krông Pa là xã miền núi của huyện Sơn Hòa với 2/3 hộ dân là đồng bào DTTS, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy nên còn nhiều khó khăn, vất vả. Trước đây, bà con chỉ biết trồng cây sắn, cây mía và trồng lúa trên rẫy. Với lối canh tác lúa rẫy, mỗi năm bà con chỉ làm được một mùa, mùa còn lại đất đai bỏ hoang. Khi hệ thống công trình thủy lợi được đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương đã kết hợp với việc san mặt bằng để kêu gọi người dân chuyển sang trồng lúa nước. Ban đầu, việc vận động người dân chuyển sang trồng lúa nước gặp nhiều khó khăn bởi bà con đã quen với lối canh tác cũ, thiếu kiến thức trồng lúa nước. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ bà con từ khâu gieo trồng, chăm bón và thu hoạch sao cho hiệu quả nhất.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con ở Krông Pa đã chuyển sang trồng lúa nước hai vụ, thu nhập được cải thiện đáng kể. So với trước kia năng suất lúa rẫy chỉ đạt 15 tạ/ha thì nay lúa nước đem đến cho bà con thu nhập hơn 65 tạ/ha, đời sống bà con ổn định hơn trước rất nhiều. Gia đình ông Ma Lất, ở buôn Chơ cho biết, với 8 sào lúa nước mỗi vụ gia đình ông thu hoạch được 100 bao, đủ đảm bảo cái ăn, cái mặc cho cả nhà. Đến nay, diện tích trồng lúa nước của xã Krông Pa đã có hơn 200ha với năng suất bình quân đạt hơn 70 tạ/ha. Người dân hoàn toàn chủ động trong việc chăm bón, thu hoạch, đảm bảo nguồn lương thực cho cuộc sống.

Bên cạnh việc giúp đỡ bà con mở rộng diện tích trồng lúa và mía, chính quyền địa phương còn khuyến khích các gia đình thay đổi mô hình trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng ở Krông Pa. Như gia đình ông Lê Đình Hướng cũng từng loay hoay tìm nhiều cây trồng để tăng thêm thu nhập nhưng vẫn chưa thành công, được chính quyền địa phương tư vấn ông đã quyết định chuyển đổi hơn 2ha đất sang trồng dừa dứa. Hiệu quả kinh tế của hơn 300 gốc dừa dứa đã đem đến cho gia đình ông Hướng những tín hiệu đáng mừng so với các loại cây trồng trước kia. Từ những mô hình trồng cây ăn quả hiệu quả như ông Hướng, xã Krông Pa tiếp tục khuyến khích người dân đầu tư, thay đổi mô hình trồng cây ăn trái để phát triển kinh tế.

Một số hoạt động trong quá trình thu hoạch ngô sinh khối. Ảnh: Khuyến nông Phú Yên
Một số hoạt động trong quá trình thu hoạch ngô sinh khối. Ảnh: Khuyến nông Phú Yên

Hay như ở huyện Đồng Xuân, thời gian gần đây bà con DTTS ở xã Xuân Quang I không còn chỉ trông chờ vào cây mía, cây lúa mà đã biết mở rộng mô hình trồng trọt sang cây ngô sinh khối. Ngô sinh khối được dùng để sản xuất thức ăn, là loại cây sinh trưởng ngắn, năng suất cao và có đầu ra đảm bảo. Các hộ DTTS khi tham gia trồng ngô sinh khối sẽ được hỗ trợ 70% giá trị giống cùng vật tư và phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Rất nhiều hộ đồng bào ở huyện Đồng Xuân đã lựa chọn chuyển đổi sang mô hình ngô sinh khối để phát triển kinh tế vụ Hè - Thu.

Nhờ Chương trình MTQG 1719, cơ cấu kinh tế vùng đồng bào DTTS và miền núi đang có những dịch chuyển tích cực, cơ sở hạ tầng phát triển kịp thời. Tuy nhiên vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Phú Yên vẫn còn khoảng cách với miền xuôi. Tỉnh Phú Yên đã và đang quyết liệt triển khai có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 nhằm đẩy nhanh tiến độ đưa vùng đồng bào DTTS và miền núi tiến kịp với miền xuôi.


Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.