Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khởi sắc bản làng

Đổi thay ở bản Lả Chà

Đỗ Thành Trung - 09:55, 31/07/2024

Nằm yên bình bên dòng suối Nậm Chà, bản Lả Chà của người Cống ở xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên đang có những bước chuyển mình rõ nét nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước cùng sự vươn lên từ nội lực người dân

Một góc bản Lả Chà (Ảnh TL)
Một góc bản Lả Chà. (Ảnh TL)

Bản Lả Chà của người Cống có 79 ngôi nhà sàn, kết nối với nhau bằng hệ thống đường dân sinh đã được bê tông hóa. Các khu vực chuồng trại chăn nuôi, kho dự trữ củi đốt, vườn trồng rau xanh… được người dân bố trí hợp lý, hài hòa với môi trường tự nhiên. Không gian bản Lả Chà rất yên bình, khí hậu trong lành, mát mẻ.

Thầy cúng Lùng Văn Chanh ở bản Lả Chà cho biết, người Cống có nhiều tên gọi khác nhau như: Cống, Khắm Xứng, Xá Xeng, Xá, Mâm Nhé… Dân tộc Cống ở Điện Biên sinh sống tập trung chủ yếu dọc theo các con suối và vành đai biên giới. Nhà của người Cống ở bản Lả Chà dựa vào thế đất mà dựng lên nên đa phần có hướng quay ra suối Nậm Chà, xuôi theo những luồng gió thổi vào thung lũng. Các hộ dân ở bản Lả Chà làm nhà sàn cao, rộng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Thái.

Trong sản xuất nông nghiệp, ngoài trồng các loại cây lương thực trên nương như lúa, ngô, khoai, sắn, người Cống đã biết khai khẩn những vùng đất trũng để trồng lúa nước. Đồng bào cũng chú trọng chăn nuôi gia súc như trâu, bò… để tạo sức cày kéo, vận chuyển.

Phụ nữ Cống chỉnh trang trang phục truyền thống.
Phụ nữ Cống chỉnh trang trang phục truyền thống

Hiện nay, người Cống ở bản Lả Chà vẫn lưu giữ một số nghề thủ công truyền thống như: đan lát, đan móc sợi, nghề rèn (rèn dao, liềm, xiên cá…) và chế tác đồ mộc (cày, bừa). Các sản phẩm đặc trưng từ nghề đan lát của người Cống như: Gùi, tấm trải phơi thóc, chiếu may, giỏ đựng cơm, tủ đựng quần áo, giỏ cá, chài, lưới, đó, vợt… để đánh bắt cá. Đến bản Lả Chà, du khách dễ dàng bắt gặp biểu tượng “me-khá” đan bằng tre, nứa theo kiểu đan nong mốt, hình mắt cáo - được treo ở nhiều vị trí trong bản. Đây là hình ảnh mang tín ngưỡng dân gian, xuất hiện trong các nghi lễ cúng bản, cúng hồn lúa, cúng nương… của người Cống.

“Cộng đồng dân tộc Cống ở Lả Chà có các họ Lý, Chảo, Chang, Chin, Lùng, Séng… Các họ phân biệt với nhau bằng cách cúng tổ tiên và vị trí đặt bàn thờ tổ tiên. Tuy có nhiều họ (dòng họ) chung sống nhưng người dân trong bản luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Lúc bản có công việc lớn như đám cưới, làm nhà mới… thì cả bản cùng xúm vào giúp như việc của nhà mình vậy”, thầy cúng Lùng Văn Chanh cho biết thêm.

Đồng bào Cống ở bản Lả Chà tết cây hoa mào gà để chuẩn bị tổ chức Tết hoa mào gà
Đồng bào Cống ở bản Lả Chà tết cây hoa mào gà để chuẩn bị tổ chức Tết hoa mào gà (Ảnh tư liệu)

Bên cạnh đó, người Cống ở Lả Chà vẫn bảo tồn tốt trang phục truyền thống. Trong mỗi gia đình đều có ít nhất 2 bộ trang phục truyền thống (trang phục nam và nữ). Phụ nữ Cống là chủ thể sáng tạo ra nét đẹp văn hóa truyền thống của trang phục dân tộc mình. Trong các buổi sinh hoạt văn hóa, các nghệ nhân, già làng quan tâm truyền dạy cho thế hệ con cháu những bài hát, điệu múa truyền thống. Nhờ đó, bản sắc văn hóa dân tộc và đời sống tinh thần của dân tộc Cống ở Lả Chà ngày càng được bảo tồn, phát huy.

Nghi thức cúng Tết hoa mào gà
Nghi thức cúng Tết hoa mào gà

Ông Lò Văn Thân, Chủ tịch UBND xã Pa Tần phấn khởi thông tin, nhờ có sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, đặc biệt là Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống, tỉnh Điện Biên” và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, vùng đồng bào Cống đã có bước chuyển mình rõ rệt. Cơ sở hạ tầng điện, đường, hệ thống kênh mương thủy lợi được đầu tư xây dựng. Bà con được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, theo đó đời sống của bà con được nâng lên. Nhiều gia đình đã vươn lên khá giả, có điều kiện cho con em đi học lên cao.

Tin cùng chuyên mục
Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Những kết quả nổi bật trong thực hiện Quyết tâm thư Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động và Quyết tâm thư tại Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Hòa Bình lần thứ III, năm 2019, có 5/7 chỉ têu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh được cải thiện và nâng lên rõ rệt.