Chúng tôi tình cờ được gặp chị Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam tại bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Trong khu vườn có diện tích rộng khoảng 3,5ha, chị Lan Hương trồng chủ lực là cây cam ruột đỏ (cam Cara) và cây bưởi da xanh. Nhìn vườn cây xanh mướt đang độ ra hoa, kết trái, hệ thống tưới tiêu tự động, ít ai biết rằng chị đã đổ biết bao mồ hôi, công sức để gây dựng nên một Cara Farm suốt gần 10 năm qua.
Trao đổi với chúng tôi chị Lan Hương cho biết, vùng Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ. Sau nhiều năm đi tham quan, khảo sát nhiều mô hình làm nông nghiệp sạch, chị mạnh dạn mang 2 giống cây bưởi da xanh và cam ruột đỏ về trồng thử nghiệm trên khu vườn của mình. “Khó khăn, thử thách lớn nhất đối với tôi trong việc làm vườn, trồng cây là bản thân tôi chưa có kinh nghiệm làm nông nghiệp. Vì vậy, việc học làm vườn sao cho bài bản đã khó, làm vườn theo phương thức nông nghiệp hữu cơ lại càng khó hơn”, chị Hương bộc bạch.
Mong muốn, khát khao được làm nông nghiệp sạch, bền vững, chị Lan Hương đã đọc nhiều cuốn sách, nghiên cứu nhiều tài liệu về làm nông nghiệp sạch kết hợp tư vấn của các chuyên gia để áp dụng trên khu vườn của mình. Chị trực tiếp tham gia làm vườn, hướng dẫn cho những người giúp mình làm vườn từ khâu trồng cây, chăm sóc đến khâu thu hoạch. “Muốn chăm cây thì trước tiên phải chăm đất, vì đất có tốt thì mới hào phóng với cây. Để chăm đất, không gì tốt hơn là bón phân hữu cơ tự ủ. Ủ phân đúng cách, từ các loại phế phẩm nông nghiệp như rơm rạ, cây cỏ, phân gia súc, gia cầm... Phân tốt sẽ làm cho đất khỏe, từ đó mới nuôi tốt cây trong vườn”, chị Lan Hương giải thích.
Có nguồn phân bón dồi dào dưỡng chất kết hợp với công nghệ tưới và chăm sóc cây trồng tiên tiến đã tạo nên những trái ngọt trong khu vườn Cara farm. Sau hơn 8 năm triển khai mô hình làm nông nghiệp sạch, tháng 10/2022, Cara Farm Việt Nam được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, mỗi khi ra vườn nhìn thành quả là những cây cam ruột đỏ và bưởi da xanh lúc lỉu quả, Giám đốc Nguyễn Thị Lan Hương luôn cảm thấy lòng mình chộn rộn niềm vui. Quả cam ruột đỏ và bưởi da xanh được nhà vườn chăm sóc trong gần 10 tháng và chín rộ chỉ trong một thời gian rất ngắn vào mùa Thu. Dường như bao tinh hoa đất trời trong những tháng ngày dài đằng đẵng đó hội tụ cả trong từng tép cam, tép bưởi là nguồn bổ sung năng lượng, sức đề kháng tuyệt vời cho cơ thể con người.
Giám đốc Lan Hương thông tin thêm, cam ruột đỏ giàu lycopene và carotene, đây là những chất khử các gốc tự do xâm nhập tế bào trong cơ thể, chống ung thư tự nhiên hiệu quả. Lượng vitamin C có trong cam ruột đỏ vượt trội và lớn gấp 150% so với các loại cam khác, rất tốt cho làn da, giúp chống lão hoá, có tác dụng phục hồi sức khoẻ. Đặc biệt, cam ruột đỏ còn được phát hiện là một loại quả có chứa hàm lượng axit thấp hơn nhiều so với cam nội địa khác. Điều này có nghĩa là chúng ta có thể tiêu thụ một lượng lớn cam ruột đỏ mà không sợ bị ợ nóng như khi ăn cam quýt hay các sản phẩm có chất axit của họ cam quýt. Cam ruột đỏ không ngọt khé mà ngọt thanh, ngọt dịu. Đường khử rất tốt cho cơ thể nên người bị bệnh tiểu đường yên tâm khi ăn loại cam này.
Hiện nay, giá bán sản phẩm cam Cara từ 90.000 -120.000 đồng/kg, bưởi da xanh 70.000 đồng/kg. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy. Thị trường sản phẩm không bó hẹp trong tỉnh Điện Biên mà đã phát triển rộng ra các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Trong tương lai, Giám đốc Nguyễn Thị Lan Hương mong muốn kết hợp mô hình nông nghiệp sạch, sản xuất tinh dầu bưởi, chè túi lọc từ vỏ cam, vỏ bưởi và các sản phẩm khác. Bên cạnh trồng trái cây đặc sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ngay tại Cara Farm, đồng thời nhân rộng hơn nữa mô hình kinh tế này ở Điện Biên để có thể giúp đồng bào DTTS phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.