Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đời quế, đời người

Thuỳ Anh - 16:02, 22/09/2022

Từ bao đời nay, người Dao ở xã Tầm Xuân, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái vẫn luôn trân trọng cây quế. Đầu năm nào, người Dao cũng cúng thần rừng và thần quế, mong cho có sức khoẻ, mùa màng bội thu và đặc biệt mong cho những em bé mới ra đời có được sức sống mãnh liệt như cây quế rừng, trở thành người có ích cho xã hội. Từ lâu, cây quế đã trở thành một thành tố trong đời sống văn hoá và trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế giúp bà con làm giàu.

Vỏ quế khô cả miếng được dùng làm hương đốt trong lễ cấp sắc của người Dao xã Xuân Tầm
Vỏ quế khô cả miếng được dùng làm hương đốt trong lễ cấp sắc của người Dao xã Xuân Tầm

“Hương vị” không thể thiếu trong đời sống

Vượt qua hơn 80km từ thành phố Yên Bái, chúng tôi đến với xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, đây là vùng trồng quế khá nổi tiếng với những câu chuyện “cổ tích” của người Dao đỏ. Cụ Bàn Văn Phây ở thôn Khe Đóm, năm nay đã gần bước sang cái tuổi “bách niên” nhưng cụ được con cháu coi như “thanh niên” bởi phong thái nhanh nhẹn, trí nhớ minh mẫn và da dẻ vẫn hồng hào; hằng ngày cụ vẫn cùng con cháu lên rừng chăm sóc và trò chuyện về những cây quế cổ. Cụ Phây niềm nở kể cho chúng tôi nghe vì sao cây quế rừng lại về với bản.

Cụ Phây nói, “hồi còn nhỏ tôi được nghe các cụ kể lại rằng, từ xa xưa lắm rồi, dân mình vào rừng lấy củi và hái lượm, thấy cây này lá có mùi thơm, bóc vỏ ăn thử có vị cay cay, chà vào những chỗ bị côn trùng cắn, mẩn ngứa, thấy đỡ hẳn, nên bà con mình mang hạt về trồng xen canh cùng cây hoa màu, lấy lá và vỏ đun nước tắm giải cảm, giã ra thuốc bôi ngoài da, phơi khô làm gia vị trong nấu ăn và đặc biệt dùng vỏ quế phơi khô cả miếng làm hương đốt trong các lễ cúng.Trồng quế từ xa xưa là nghề cha truyền con nối bao đời nay rồi, tôi được thừa kế nghề trồng quế từ ông bà, bố mẹ, 9 người con của tôi lớn lên cũng làm kinh tế từ cây quế”.

Hương dùng trong các lễ cúng của người Dao là những mảnh quế khô
Hương dùng trong các lễ cúng của người Dao là những mảnh quế khô

Trong đời sống văn hoá, cây quế gắn liền với các lễ cúng quan trọng của dân bản, đặc biệt khi gia đình có thêm thành viên mới hay khởi đầu cho một năm mới, người Dao nơi này lại trồng thêm cây quế, đốt hương quế, cúng thần quế… Những phong tục này được các nghệ nhân dân gian người Dao dạy lại cho các thế hệ trong các làn điệu hát giao duyên, các lớp học về chữ viết và phong tục người Dao.

Nghệ nhân người Dao 12 đèn (đã trải qua lễ cấp sắc 12 đèn), Bàn Phong Hoà, ở thôn Khe Đóm, xã Xuân Tầm kể, “lễ cấp sắc thường được làm sâu trong rừng quế, lập đàn cúng thần rừng, thần quế để xin bảo vệ cho người được cấp sắc. Cứ 3 năm một lần, khoảng trung tuần tháng Giêng, cứ một gia đình phải có 1 người chuẩn bị đồ tế lễ đi cùng với già làng, trưởng bản vào sâu trong rừng 1 ngày để làm lễ khai san cúng thần rừng, thần quế, xin cho một năm mới mùa màng bội thu, con người khoẻ mạnh, cây quế phát triển tốt mang lại kinh tế cao”.

Trồng cây là cách gieo xuống đất một mầm non xanh tươi, rày công chăm bón để cây sẽ bám sâu vào lòng đất, chắt chiu tinh tuý đại ngàn rồi vươn mình lớn dậy, mang lại cho đời muôn vàn những tươi xanh.

Nhân dân xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cùng trồng cây quế vào dịp đầu Xuân
Nhân dân xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cùng trồng cây quế vào dịp đầu Xuân

“Nhiều gia đình còn giữ phong tục, cứ mỗi một em bé được sinh ra thì gia đình họ sẽ trồng quế xuống để mong cho em bé hay ăn chóng lớn, khoẻ mạnh như cây quế rừng, lớn lên trở thành người có ích cho xã hội. Cây quế chỉ cho hạt vào mùa Đông, do đó lễ cúng khai quang vào hạ tuần tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) của các dòng tộc là không thể bỏ qua, lễ cúng này người dân tạ ơn trời đất, tạ ơn thần quế đã cho dân bản trong năm vừa qua luôn khoẻ mạnh, mùa màng bội thu. Rồi ra xuân họ cùng nhau trồng quế trong tết trồng cây, mong cho năm mới vạn sự như ý”, nghệ nhân Bàn Phong Hoà nói thêm.

Làm giàu cho vùng đất khó

Về Xuân Tầm hôm nay không còn những con đường đất và nhà tranh vách nứa siêu vẹo nữa, thay vào đó là những con đường giao thông liên thôn được bê tông hoá cùng những căn nhà kiên cố. Xã Xuân Tầm có đến 95% dân số là người Dao, hàng trăm năm nay, cứ đời nối tiếp đời, các thế hệ người con Xuân Tầm làm kinh tế từ hạt giống quế rừng. Cây quế trở thành cây chủ lực phát triển kinh tế cho một vùng đất khó.

Theo số liệu thống kê của xã Xuân Tầm, trên địa bàn xã đến nay còn khoảng hơn 70 cây quế cổ thụ trên 100 năm tuổi sống rải rác, đường kính 50-60cm. Xã Xuân Tầm bảo tồn giống quế này bằng cách chỉ cho người dân thu hạt quế về nhân giống, không khai thác. Trung bình mỗi cây cho khoảng 5-7 kg hạt mỗi năm, do đó người dân luôn được đảm bảo một nguồn gen quý hiếm.

Hộ gia đình bà Hà Thị Bình, thôn Trung Tâm có doanh thu từ cây quế mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Bà Bình chia sẻ như gieo vui, “gia đình tôi đã trồng quế từ năm 1988, mỗi năm chúng tôi xuất bán khoảng 3.000 kg vỏ quế khô, khi kinh tế ổn định, tôi cũng hỗ trợ vốn cho nhiều hộ dân, đồng thời hỗ trợ kinh nghiệm trồng và thu hoạch quế. Giúp đỡ bà con cùng làm kinh tế, làm giàu cho quê hương mình tôi rất vui”.

Cây quế cổ thụ hàng trăm tuổi có đường kính 2 người ôm không hết
Cây quế cổ thụ hàng trăm tuổi có đường kính 2 người ôm không hết

Tiếng tăm của giống quế đặc biệt này vươn xa và thu hút nhiều doanh nghiệp thu mua ổn định cho bà con hằng năm, sản xuất nhiều sản phẩm phong phú từ vỏ quế. Người dân Xuân Tầm cho biết, “Công ty hương gia vị Sơn Hà (tỉnh Bắc Ninh) đã thu gom từ năm 2009 đến nay, sản phẩm tinh dầu quế của Hợp tác xã Bách Lâm có cơ sở trên địa bàn xã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021. Nhiều xã lân cận đến thu mua vỏ quế về làm điếu quế hay đồ lưu niệm.”

Ông Triệu Tòn Vặng, Phó chủ tịch xã Xuân Tầm chia sẻ, “Quế của Xuân Tâm được ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đánh giá là sản phẩm “ưu tú”, có tuổi cao và chất lượng tốt. Do đó ngoài việc hỗ trợ duy trì đầu ra ổn định cho bà con, xã còn kết hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện và Trung tâm dịch vụ hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện, mở những lớp đào tạo nghề quế ngắn hạn tại xã. Những lớp này tập trung hướng dẫn bà con phương pháp trồng quế hữu cơ, nghề chăm sóc phát triển từ vỏ quế”.

Xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nay đã nhiều ngôi biệt thự khang trang mọc lên nhờ phát triển cây quế
Xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái nay đã có nhiều ngôi biệt thự khang trang mọc lên nhờ phát triển cây quế

Anh Bàn Tiến Đức, thôn Khe Đóm, xã Xuân Tầm xuất thân từ gia đình khó khăn và đông con, học xong lớp 12 anh Đức lập gia đình riêng. Đôi vợ chồng trẻ “chung lưng đấu cật”, sau 20 năm khai hoang, đến nay gia đình anh cũng đã có khoảng 8 héc ta đất rừng trồng quế, năm 2021 anh đã phá bỏ nhà gỗ và xây dựng một ngôi nhà cấp 4 rộng 150 mét vuông, kiên cố và khang trang hơn. Thu nhập của gia đình anh Đức mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.

Anh Đức nói “được những người già nhiều kinh nghiệm và chính quyền xã hỗ trợ kỹ thuật trồng quế, gia đình phát triển cây quế là nguồn kinh tế chính. Điều kiện kinh tế giờ ổn định hơn, tôi yên tâm cho các con đi học đại học, mong cho các con sau này trưởng thành về phục vụ quê hương, giúp bà con mình giàu mạnh hơn. Cây quế đã trở thành cây của “sự sống” giúp cho bao nhiêu thế hệ người Dao chúng tôi có một cuộc sống ấm no hơn, nhà cửa kiên cố khang trang hơn, tôi thật sự biết ơn cây quế”.

Xã Xuân Tầm có khoảng 700 hộ dân làm kinh tế bằng nghề trồng quế, với 3.500 héc ta trồng quế, diện tích bảo phủ tới gần ½ diện tích xã. Tháng 7/2021 xã đã thoát nghèo, vươn lên trở thành xã vùng 2 của huyện. Nhờ phát triển kinh tế bằng cây quế chủ lực, toàn xã chỉ còn khoảng 18,9% là hộ nghèo và cận nghèo.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.