Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tiếng thoi vẫn lách cách trên vùng cao Huổi Só

Hoàng Khánh - 10:21, 17/05/2022

Bên cạnh sự độc đáo về kiến trúc nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, ngôn ngữ, chữ viết… Người Dao (Quần Chẹt) ở xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên còn có nghề trồng bông, dệt thổ cẩm được giữ gìn và trao truyền qua nhiều thế hệ.

Công đoạn dệt vải của phụ nữ Dao ở Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên
Công đoạn dệt vải của phụ nữ Dao ở Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên

Trồng bông dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Dao từ xưa đến nay. Do vậy, các gia đình đều tự trồng bông, nguyên liệu chính để làm sợi dệt.

Theo chia sẻ của người dân địa phương, bất kể thời gian nào trong năm, khi nông nhàn, phụ nữ Dao lại tranh thủ đập bông, kéo sợi, dệt vải. Trong các gia đình người Dao ở Huổi Só, nhà nào cũng có một khung dệt, máy cán bông, xa quay sợi và các dụng cụ phục vụ cho nghề dệt cổ truyền. Những công cụ là như tài sản quý giá trong mỗi gia đình.

Bông sau khi thu hoạch được mang phơi nắng, tách hạt, rồi dùng dây bật cho tơi ra, tiếp đó từng cuộn bông sẽ được mang quay xe tạo thành sợi chỉ. Đây là công đoạn đòi hỏi sự khéo léo cao để các sợi không bị đứt mà vẫn đều và đẹp. Sợi quay đến đâu sẽ cuốn đều vào con suốt rồi mắc lên khung dệt tạo những tấm vải thô bóng đẹp.

Đến quy trình nhuộm chàm cho vải là nhiều công phu và đòi hỏi sự liên tục không gián đoạn, để màu chàm trên vải bông của người Dao tạo ra luôn bền đẹp với thời gian. Màu chủ đạo trên vải là màu chàm được làm từ nước ngâm của cây chàm. Khi nhuộm người ta lấy cao chàm phơi khô hòa với nước tro bếp lọc sạch, để lắng, sau đó đun sôi rồi cho vải vào nhuộm, đảo đều, một lúc sẽ bắc xuống đổ vào thùng ngâm. Khâu nhuộm vải được thực hiện lặp đi lặp lại từ 4 đến 5 lần để được màu chàm đen như ý.

Vải sau khi ngâm chàm đem phơi khô rồi tiếp tục ngâm với nước lá me chua. Khâu này có tác dụng giữ bền màu vải nhuộm. Sau 2 ngày vớt vải phơi nắng, cuối cùng giặt lại bằng nước lã, phơi khô mới có thể sử dụng.

Trong dòng họ, gia đình người Dao, các mẹ, các bà là người truyền nghề dệt, thêu thùa cho con cháu. Vì vậy, phụ nữ Dao có vai trò quan trọng, trực tiếp gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống này.

Bà Phàn Thị Ọi, thôn 2, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên kể: Bản thân bà từ bé đã được bà, được mẹ của mình dạy may vá, thêu thùa. Đến tuổi trăng tròn bà đã có thể tự may trang phục cho bản thân. Sau này, bà Ọi lại tiếp tục truyền dạy cho các con gái của bà từ cách se chỉ, luồn kim, đưa thoi… đến khi làm ra thành phẩm.

Ngắm sản phẩm của cô con gái Lý Thị Gậy, mới làm ra, bà Ọi khoe: Nó là con gái cũng là học trò của tôi đấy. Trong gia đình, các con cháu đều do tôi dạy cả, đứa nào cũng khéo tay nên học nhanh và làm đẹp lắm. Năm nay, tuy bà Ọi đã bước qua tuổi thất thập nhưng đôi tay vẫn chưa muốn nghỉ ngơi. Đôi mắt vẫn dõi theo từng đường kim mũi chỉ của các con, các cháu.

Phụ nữ Dao ở Huổi Só giữ nghề trồng bông, dệt vải
Phụ nữ Dao ở Huổi Só giữ nghề trồng bông, dệt vải

Đặt chân đến các thôn, bản ở Huổi Só hôm nay, đâu đâu cũng nghe lách cách tiếng thoi đưa trên khung cửi. Dù hiện nay, vải may trang phục được bán ở chợ khá nhiều song người Dao nơi đây không thích mua sẵn mà vẫn cần mẫn dệt vải, may vá theo cách thủ công.

Từ tấm vải thô nhuộm chàm, những đôi tay khéo léo bắt đầu tạo hình thêu hoa văn. Đây được xem là công đoạn khó, đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo của phụ nữ người Dao. Các nghệ nhân không thêu theo hình mẫu có sẵn mà thêu theo trí tưởng tượng, có khi là cả một vạt rừng hay bạt ngàn bãi lúa, nương ngô... Những họa tiết này không chỉ mang tính thẩm mỹ mà còn ẩn chứa trong đó ước vọng làm chủ thiên nhiên, khao khát cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bà truyền nghề cho mẹ, mẹ lại truyền nghề cho con... Cứ thế, từ đời này sang đời khác, đồng bào dân tộc Dao ở Huổi Só đã lưu giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đặc biệt là nghề dệt, may trang phục, đây cũng là cách để các thế hệ con cháu người  Dao tiếp nối truyền thống văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.