Sinh ra và lớn lên trong gia đình có 9 anh, chị em, Giàng A Sáu là con thứ 6 trong gia đình. Lớn lên trong điều kiện bản làng thiếu thốn mọi bề: điện, đường về bản chưa có, nước sinh hoạt phải tự dẫn từ trên núi về không bảo đảm vệ sinh, Giàng A Sáu thấy cái nghèo luôn bám riết lấy người dân quê mình. Với ý chí quyết tâm lập nghiệp, A Sáu đã lặn lội đi tìm đất khai hoang trồng cây lúa, cây ngô. Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục gia đình chuyển cư không thành, Giàng A Sáu quyết định quay về bản để bắt tay vào trồng cây quế.
Năm 27 tuổi, Giàng A Sáu lấy vợ rồi chọn đất ở khu vực gần khe nước để làm nhà, ổn định cuộc sống. Anh hiểu rằng, không phá rừng thì còn nước, muốn nước đủ quanh năm thì phải trồng nhiều rừng. Vậy là từng ngày, từng tháng, anh mở rộng dần diện tích trồng cây quế. Cây quế của anh ban đầu chỉ mọc quanh nhà, quanh vườn rồi lan lên đồi, lên núi...
Giàng A Sáu cho biết, cây quế được trồng ở xã An Lương khá sớm. Tiếng Mông gọi cây quế là “kỷ phì”. Nó không chỉ là cây thuốc mà còn là cây xóa nghèo, cây làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Cây quế trồng càng lâu năm càng có giá trị; thân, cành, lá, vỏ quế đều bán được với giá cao.
Vì vậy, để “lấy ngắn nuôi dài“, anh trồng xen canh lúa, ngô, khoai, sắn vào nương quế trong 3 năm đầu tiên để giữ đất màu và đỡ công làm cỏ. Có đủ lương thực để ăn và phục vụ nuôi gà, lợn..., gia đình anh an tâm tiếp tục phát triển, mở rộng diện tích trồng quế.
Niên vụ 2019, Giàng A Sáu bán 1 đồi quế đầu tiên được 3 tỷ đồng. Anh gửi toàn bộ số tiền bán quế vào Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Văn Chấn. Năm vừa rồi, anh rút ra một phần trong sổ tiết kiệm để đầu tư xây dựng ngôi nhà ở khang trang.
Đầu tháng 6 vừa qua, thương lái đến nài nỉ, anh đồng ý bán tiếp một đồi quế khác với giá 4 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này, A Sáu đem gửi tiết kiệm tại NHCSXH huyện Văn Chấn. Anh trở thành người nông dân có số tiền gửi ngân hàng cao nhất trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, Giàng A Sáu còn tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thanh niên trong bản thay đổi tư duy trong lao động sản xuất, đưa cây quế trở thành cây mũi nhọn kinh tế hộ gia đình. Hiện nay, 100% số hộ gia đình ở bản Sài Lương 3 tham gia trồng quế, trong đó có 17 chủ hộ ở lứa tuổi thanh niên đều có rừng quế xanh tốt với diện tích khoảng 300 - 400 ha. Góp phần nâng cao đời sống vật chất cho người dân, giúp giảm tỷ lệ hộnghèo của bản từ trên 70% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2015 - 2020) xuống còn 40% năm 2020.
Một tin vui khác đối với người dân nơi đây là, dự án mở đường Nghĩa Lộ - Mậu A đi qua xã An Lương đang tích cực được triển khai. Công nhân điện lực đang dựng cột, kéo dây để mở rộng khu vực dân cư An Lương được sử dụng điện. Vậy là ước mong có đường, có điện của người dân xã An Lương nói chung, của Giàng A Sáu nói riêng sắp trở thành hiện thực.
Giàng A Sáu bộc bạch: "Khi có đường tốt, mình sẽ rút một phần tiết kiệm để mua một cái xe ô tô, thỉnh thoảng đưa vợ con đi đây đó mở mang hiểu biết, kiến thức để tiếp tục phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương mình...“
Nghe anh nông dân người Mông chia sẻ như vậy, chúng tôi thực sự rất nể phục. Với 10 ha quế đang khép tán, cùng mô hình vườn rừng, nông dân Giàng A Sáu đã trở thành tấm gương sáng, tạo sức lôi cuốn, lan tỏa cho thế hệ thanh niên lập nghiệp noi theo.