Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Câu chuyện những người trẻ bỏ phố về quê

PV - 10:13, 14/08/2021

Với tinh thần “bước qua giới hạn an toàn để chinh phục đam mê”, một số bạn trẻ ở huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk đã bỏ phố về quê khởi nghiệp.

Mô hình du lịch khám phá được một số bạn trẻ ở huyện Lắk lựa chọn khởi nghiệp.
Mô hình du lịch khám phá được một số bạn trẻ ở huyện Lắk lựa chọn khởi nghiệp.

“Bỏ phố về quê” để hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

Với cộng đồng khởi nghiệp ở huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, cái tên Mai Hồng Cương (sinh năm 1988) đã trở nên quen thuộc. Từ khi còn là sinh viên, anh đã ấp ủ tạo ra hướng đi riêng cho bản thân. Anh lựa chọn học song song 2 ngành là Thú y và Quản trị kinh doanh tại trường đại học Tây Nguyên. Ngay khi vừa tốt nghiệp, anh xin được việc làm tại một doanh nghiệp nước ngoài có trụ sở ở tỉnh Bình Phước. Một năm sau đó, anh Cương xin nghỉ việc để trở về quê hương nhận công tác tại Trạm Chăn nuôi - Thú y huyện Lắk và tự mở một cửa hàng kinh doanh thuốc thú y tại thị trấn Liên Sơn, vừa tích lũy vốn vừa hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp.

Trải qua rất nhiều mô hình khởi nghiệp với cá thác lác, rau sạch, gạo đặc sản, gà mía và vịt trời, năm 2019, anh Cương đã mở công ty TNHH Dịch vụ thương mại Hồng Cương, liên kết với gần 30 hộ dân nuôi gà mía và vịt trời để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh Đắk Lắk. Có những thời điểm, số lượng gà mía và vịt trời anh nuôi lên tới hàng chục nghìn con. Đến đầu năm 2021, anh Cương cùng với 3 cộng sự tập trung cải tạo khu đất rộng hơn 1,2 ha tại Buôn Thái, xã Bông Krang, huyện Lắk để xây dựng Yangbrii Farmstay - mô hình du lịch nghỉ dưỡng kết hợp trải nghiệm nông nghiệp và giáo dục. Mô hình phát triển theo hướng nông nghiệp xanh truyền thống, khai thác các thế mạnh sẵn có ở địa phương về thắng cảnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của các dân tộc tại chỗ để hình thành các tour du lịch trải nghiệm, khám phá. Vừa vận hành vừa hoàn thiện, trong tháng đầu chạy thử nghiệm hoạt động của Farm đã đem về doanh thu hơn 30 triệu đồng.

Anh Đỗ Duy Tân (sinh năm 1987), một trong 3 cộng sự của anh Cương, là đầu bếp chính ở Yangbrii Farmstay. Sinh ra và lớn lên ở huyện Lắk, nhưng anh Tân chọn thành phố Hồ Chí Minh để học tập và lập nghiệp. Sau gần 10 năm làm việc ở các khách sạn 3 sao, 4 sao ở thành phố Hồ Chí Minh, đến năm 2019 anh Tân lập gia đình và quyết định xin nghỉ việc để đưa cả gia đình về lại quê hương, mở một quán phở ở xã Đắk Liêng, huyện Lắk. Trong 2 năm qua, quán phở của anh đã trở nên nổi tiếng ở địa phương, được nhiều người biết đến và có lượng khách ổn định. Đến khi gặp và tham gia nhóm với anh Mai Hồng Cương, anh Tân đã quyết định sang nhượng quán và truyền lại công thức nấu phở cho một người bạn để chuyên tâm vào công việc tại Farm. Hiện tại, cùng với việc phát triển Yangbrii Farmstay, anh Tân đang hoàn thiện các thủ tục để xin cấp chứng nhận kinh doanh cho món “thịt bò xông khói”. Đây là món ăn do anh sáng tạo công thức, sử dụng nguyên liệu từ con bò cỏ là giống bò phổ biến được nuôi tại địa phương, kết hợp với một số loại gia vị đặc biệt. Trong quá trình Farm vận hành thử nghiệm, món ăn này được khách hàng ưa thích và đánh giá cao.

Cũng chấp nhận “bước qua giới hạn an toàn để chinh phục đam mê”, anh Y Xim Du (dân tộc M’nông) ở buôn Yuk La 1 (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) đã xin nghỉ việc ở cơ quan nhà nước để theo đuổi ước mơ phát triển du lịch khám phá, trải nghiệm tại chính nơi mình sinh ra. Để tích lũy kinh nghiệm, anh Y Xim Du dành thời gian đi đến các tỉnh Lào Cai, Lâm Đồng để học hỏi, sau đó xin vào làm việc trong một công ty phát triển nông nghiệp công nghệ cao và được cử sang công tác tại Campuchia. Anh Y Xim Du kể: “Ở Campuchia tôi may mắn được gặp gỡ với cộng đồng dân cư bản địa có cùng hệ ngôn ngữ, nét văn hóa tương đồng nơi quê nhà. Một số bạn trẻ ở đó cũng thực hiện tour du lịch khám phá văn hóa cùng người dân bản địa rất thành công. Nhờ vậy, tôi học hỏi được kinh nghiệm, có nhiều trải nghiệm du lịch hơn. Sau khi tích lũy được một số vốn kha khá, tôi trở quê hương khởi nghiệp với mô hình du lịch đã ấp ủ”.

Nụ cười Y Xim Du.
Nụ cười Y Xim Du.

Bắt tay vào khởi nghiệp, Y Xim Du chọn đi theo hướng làm tour du lịch trải nghiệm trekking (hoạt động du lịch dã ngoại, đi bộ leo núi tương tác nhiều với thế giới tự nhiên). Vừa kết hợp khám phá các danh thắng tại địa phương, trải nghiệm cuộc sống buôn làng và thưởng thức ẩm thực của người dân tộc thiểu số tại chỗ, Y Xim Du vừa sử dụng những kiến thức mình tích lũy được để giới thiệu, lý giải những điều du khách tò mò, muốn tìm hiểu về vùng đất, con người, đặc biệt là về văn hóa M’nông. Anh cũng tận dụng những vật dụng quen thuộc của người M’nông như chiếc gùi mây, mũ nan để sử dụng trong các chuyến dẫn đoàn, tạo điểm nhấn độc đáo, khiến du khách thích thú. Cứ thế, tiếng lành đồn xa, ngày càng nhiều du khách biết đến và đăng ký tham gia các chuyến đi do anh tổ chức.

Khát vọng nâng tầm giá trị sản phẩm quê hương

Theo anh Phạm Ngọc Thắng, Phó Bí thư Huyện đoàn Lắk, trong 2 năm trở lại đây phong trào khởi nghiệp của thanh niên ở địa phương phát triển rất mạnh mẽ, hình thành một số sản phẩm đặc trưng. Nhiều người trẻ đã mạnh dạn từ bỏ công việc ở các thành phố lớn để trở về quê hương khởi nghiệp với những ý tưởng độc đáo. Như trong lĩnh vực du lịch, tận dụng lợi thế địa phương có nhiều điểm đến về du lịch, bản sắc văn hóa phong phú, nhiều bạn trẻ đã xây dựng các chuyến du lịch trải nghiệm leo núi, ăn uống nghỉ dưỡng, khám phá tìm hiểu văn hóa. Một số khác lại khai thác những sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương để xây dựng thương hiệu riêng như: gốm đất nung Yang Tao, cá bống, gạo Đài Thơm 8, gạo Lứt tím thảo dược,… Nắm bắt thị hiếu khách hàng, các sản phẩm ngày càng hoàn thiện về mẫu mã bao bì và chất lượng sản phẩm, dần tìm được chỗ đứng ổn định trên thị trường, có lượng tiêu thụ ổn định. Đặc điểm chung của các mô hình là đều hướng đến các sản phẩm tiềm năng ở địa phương, nỗ lực kết nối để xây dựng chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm sẵn có.

Anh Mai Hồng Cương chia sẻ, sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, anh nhận thấy nhu cầu của thị trường đang hướng đến sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, vì vậy hiện nay anh quyết định nuôi lợn, trồng rau và trái cây theo hướng VietGAP; liên kết với người dân sản xuất lúa gạo, cá thác lác hình thành sản phẩm có thương hiệu, có thể truy xuất nguồn gốc. Điều này sẽ giúp người sản xuất có được đầu ra ổn định với giá trị và lợi nhuận cao hơn.

Anh Mai Hồng Cương chọn hướng đi nông nghiệp xanh với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Anh Mai Hồng Cương chọn hướng đi nông nghiệp xanh với các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Đồng quan điểm với anh Cương, anh Đỗ Duy Tân chia sẻ, trong quá trình tạo ra công thức cho món thịt bò xông khói, anh nhận thấy giống bò cỏ địa phương có giá trị không cao do ngoại hình nhỏ con, gầy gò. Tuy nhiên, giống bò này có lợi thế vì được nuôi chăn thả tự nhiên nên thịt thơm ngọt, săn chắc hơn giống bò khác. Do vậy, anh Tân rất hi vọng món ăn này sẽ trở thành món đặc sản có thương hiệu. Khi đã hoàn thiện công thức, anh có thể xây dựng chuỗi sản xuất liên kết với người chăn nuôi. Như vậy vừa đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, đồng thời giúp người chăn nuôi bán ra được giá hơn.

Là người M’nông, trân quý và có những hiểu biết về văn hóa truyền thống của dân tộc mình, anh Y Xim Du càng nỗ lực để giới thiệu những giá trị ấy đến với du khách, đồng thời kết nối để nhiều người trong buôn làng có cơ hội kiếm thêm thu nhập từ chính những giá trị văn hóa do họ tạo ra. Y Xim Du cho rằng, đó là cách bền vững vừa giúp bảo tồn văn hóa của dân tộc, vừa tạo ra công việc và thu nhập cho người dân địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.