Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Dấu chân người chiếu bóng

Phương Bích - 11:04, 26/05/2023

Đã qua thời hoàng kim từ mấy thập niên trước, khi đội chiếu bóng về đến đâu là cả làng vui như hội. Công nghệ phát triển, phương tiện truyền thông ngày càng hiện đại, hoạt động chiếu phim (chiếu bóng) lưu động tuy đã “giảm nhiệt” nhưng vẫn là kênh thông tin quan trọng trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống tinh thần người dân vùng cao, khơi dậy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Đội chiếu bóng lưu động vượt núi vào bản phục vụ bà con.
Đội chiếu bóng lưu động vượt núi vào bản phục vụ bà con.

Năm rưỡi chiều, nắng đầu Hè vẫn còn gay gắt, các thành viên của Đội chiếu phim lưu động số 2 (CPLĐ) Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh (TTVHĐA) tỉnh Phú Thọ vẫn cặm cụi chuẩn bị cho chương trình văn nghệ, chiếu phim tuyên truyền tại sân đình làng xã Thọ Văn, huyện Tam Nông. Cả đội khẩn trương dựng phông, nối dây điện, lắp đặt máy chiếu, căn chỉnh âm thanh... Còn 2 giờ đồng hồ nữa chương trình mới bắt đầu, nhưng những đứa trẻ và người dân làng trên xóm dưới đã kéo đến xem rất đông. Hàng quán xung quanh sân đình làng rục rịch bày biện, chế biến đồ ăn vặt từ sớm, sẵn sàng phục vụ bà con.

Biết tin có đội chiếu phim về, cô bác nông dân đã thu dọn việc đồng áng để về sớm hơn mọi bữa. Các mẹ tất bật lo nấu cơm chiều để cả nhà ăn nhanh rồi dắt nhau đi xem phim. Gần đến giờ chiếu, đường làng ngõ xóm nhộn nhịp bóng người, bà dắt cháu, bố bế con, thanh niên nam nữ cười đùa, í ới gọi nhau. Không khí nơi làng quê bỗng chốc sôi động hẳn.

Nhân viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Phú Thọ sử dụng máy chiếu bóng chuyên dụng phục vụ đồng bào.
Nhân viên Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Phú Thọ sử dụng máy chiếu bóng chuyên dụng phục vụ đồng bào

19h30, nhạc hiệu nổi lên, tất cả mọi ánh mắt đổ dồn về phía hai màn ảnh lớn, chăm chú theo dõi phim tài liệu Việt Nam “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam”. Sau khi xem phim xong, người dân lại được thưởng thức những tiết mục ca múa nhạc đặc sắc do chính những hạt nhân văn nghệ trong xã biểu diễn.

"Nhằm thích ứng với điều kiện mới, chúng tôi đã nỗ lực thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức phục vụ bà con Nhân dân. Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm Trung tâm đã tổ chức thành công hàng chục đợt phim phục vụ chính trị; hàng trăm buổi chiếu phim/năm phục vụ thiếu nhi; thực hiện được 1.600 buổi chiếu phim/năm phục vụ đồng bào các dân tộc, phục vụ khoảng 600.000 lượt người xem/năm, trong đó có địa bàn của 209 xã miền núi (với 72 xã đặc biệt khó khăn). Các buổi chiếu đảm bảo an toàn, chất lượng, được Nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ...".

Ông Cao Xuân DuGiám đốc Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Phú Thọ

Đêm muộn nhưng người dân vẫn nán lại để xem đến tiểu phẩm ngắn cuối chương trình. Chị Nguyễn Thị Yên ở khu 1, xã Thọ Văn chia sẻ: “Lâu rồi mới có một chương trình đông vui như thế này. Các cháu nhà tôi rất thích, vừa được xem trên màn ảnh lớn, vừa biết thêm nhiều điều bổ ích”.Không đơn thuần là chiếu các bộ phim điện ảnh, tư liệu, phóng sự, những năm gần đây, các Đội CPLĐ của TTVHĐA tỉnh Phú Thọ còn kết hợp với các đội văn nghệ ở địa phương tổ chức giao lưu văn nghệ, phối hợp với Đội tuyên truyền lưu động trình diễn các tiểu phẩm ngắn kết hợp tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng; kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông; khuyến nông, khuyến lâm, xóa đói giảm nghèo, bài trừ mê tín dị đoan; tuyên truyền phòng, chống ma túy, HIV/AIDS... mang thông tin bổ ích cho khán giả.

Các thành viên trong Đội tích cực tìm hiểu, nắm bắt nhu cầu thưởng thức điện ảnh của khán giả để lựa chọn phim cho phù hợp. Bởi thế mà những chương trình chiếu phim tại nhiều thôn, bản vùng cao vẫn thu hút rất đông người dân đến xem.

Nụ cười, niềm vui của khán giả sau mỗi buổi chiếu là hạnh phúc, liều thuốc thần xua đi mệt mỏi, động lực để mỗi thành viên Đội chiếu bóng thắp sáng nhiệt huyết với nghề. Anh Nguyễn Văn Chung (xã Hưng Long, huyện Yên Lập) năm nay bước sang tuổi 59 nhưng đã có 2/3 cuộc đời gắn bó với công việc đưa phim lên vùng cao phục vụ cho bà con.

Hiện tại, anh là Đội trưởng Đội chiếu phim số 3, hoạt động tại địa bàn 2 huyện Cẩm Khê và Yên Lập. Anh Chung chia sẻ, mấy chục năm gắn bó với nghề, mỗi chuyến đi cùng ăn, cùng ở với bà con Nhân dân, anh như được trở về với gia đình, với những người thân, với nơi thân thuộc của mình.

Một buổi chiếu bóng phục vụ bà con tại xã Thọ Văn, huyện Tam Nông
Một buổi chiếu bóng phục vụ bà con tại xã Thọ Văn, huyện Tam Nông

Những chuyến đi cơ sở không chỉ chiếu phim mà anh cùng đồng nghiệp còn phối hợp với chính quyền, khu dân cư làm công tác dân vận, tuyên truyền. “Nắng cũng như mưa, khi chương trình kết thúc, thu dọn đồ nghề xong xuôi cũng đã 11 - 12 giờ đêm, mấy anh em lại về ngủ nhờ nhà văn hóa khu để tối hôm sau tiếp tục làm chương trình rồi mới chuyển sang địa bàn khác. Bởi thế mà trên khoang chiếc xe chở máy móc thiết bị, còn có cả chăn, chiếu, màn, nồi niêu xoong chảo, thực phẩm... Vất vả gian nan đều trải, nhưng vẫn cảm thấy gắn bó, tâm huyết với nghề”, anh Chung bộc bạch.

Ông Cao Xuân Du, Giám đốc TTVHĐA tỉnh Phú Thọ khẳng định: Nhằm thích ứng với điều kiện mới, chúng tôi đã nỗ lực thường xuyên đổi mới nội dung và hình thức phục vụ bà con Nhân dân. Trung tâm duy trì thường xuyên hoạt động của 6 đội chiếu phim lưu động, tập trung huy động các nguồn lực, từng bước đầu tư trang thiết bị, phương tiện đồng bộ hiện đại. Từ năm 2002 đến nay, mỗi năm Trung tâm đã tổ chức thành công hàng chục đợt phim phục vụ chính trị; hàng trăm buổi chiếu phim/năm phục vụ thiếu nhi; thực hiện được 1.600 buổi chiếu phim/năm phục vụ đồng bào các dân tộc, phục vụ khoảng 600.000 lượt người xem/năm, trong đó có địa bàn của 209 xã miền núi (với 72 xã đặc biệt khó khăn). Các buổi chiếu bảo đảm an toàn, chất lượng, được Nhân dân và chính quyền địa phương ủng hộ...

Tin cùng chuyên mục
Bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" gây xúc cảm mạnh cho người xem

Bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" gây xúc cảm mạnh cho người xem

Họa sĩ Lê Sa Long chia sẻ, động lực thôi thúc anh bắt tay vào vẽ bộ tranh "Thương lắm, đồng bào tôi" chính là khi xem bản tin thời sự về trận lũ quét ở thôn Làng Nủ, Lào Cai. Hình ảnh về những mất mát, tang thương tại đây đã khiến anh không thể ngồi yên. Bức tranh gây xúc động nhất đối với anh là chân dung cô bé làng Nủ – đã mất hết gia đình, nhà cửa chỉ sau một đêm kinh hoàng.