Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Lặng thầm chiếu bóng vùng cao

Nam Hương - 09:49, 19/02/2020

Trong thời đại công nghệ 4.0, sóng điện thoại, mạng internet đã được phủ sóng rộng rãi, nhiều khu vực, địa bàn, nghề chiếu bóng lưu động (CBLĐ) đã không còn sôi động. Nhưng đối với người dân các bản vùng sâu, vùng biên giới khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mỗi lần nghe tin đội chiếu bóng về là bà con rất háo hức, thôn bản vui như có hội.

Mỗi buổi chiếu phim lưu động ở vùng cao luôn được bà con háo hức và đến xem rất đông
Mỗi buổi chiếu phim lưu động ở vùng cao luôn được bà con háo hức và đến xem rất đông

Nhọc nhằn “cõng” phim về bản

 Chúng tôi theo chân cán bộ Đội Chiếu bóng số 2, thuộc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Điện Biên “hành quân” về bản vùng cao Vằng Xun, xã Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ. Đây là bản có 100% đồng bào dân tộc Thái định cư, đời sống còn rất nhiều khó khăn. Bản chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, người dân hạn chế được tiếp cận với thông tin văn hóa, văn nghệ…

Đoạn đường đất từ trung tâm xã vào bản dài hơn 7km vắt xuyên rừng, nhỏ hẹp, vừa đúng một người chạy xe máy. Anh Nguyễn Mạnh Thường, Đội phó phụ trách Đội Chiếu bóng số 2 lo lắng, dặn chúng tôi: “Đường trơn anh em đi chậm, cẩn thận, nhỡ tối nay mưa to thì phải ở lại trong bản mấy ngày chứ không ra được đâu đấy!”. 

Anh Thường kể, năm 2005 anh mới vào nghề chiếu phim nhựa. Thiết bị máy móc khi đó rất cồng kềnh, xe chỉ chở được đến trung tâm xã, muốn vào bản phải thuê ngựa mang vác, còn mình thì dắt bộ mất cả ngày trời mới đến nơi. 

Để lưu động và di chuyển được trên mọi địa hình vùng cao thì chiếc xe máy là phương tiện hữu ích đối với mỗi cán bộ làm nghề chiếu bóng. Đường đi gập ghềnh, hiểm trở nhưng trên mỗi chiếc xe ấy, các anh phải gồng thêm chiếc hòm tôn nặng không dưới 60kg, chứa nhiều trang thiết bị: Máy chiếu, loa, đài, dây điện, mic, máy phát điện, xăng. Ngoài ra còn lỉnh kỉnh tư trang cá nhân, thức ăn dự trữ là những gói lương khô, lạc rang, mì tôm, cá khô… đủ để dùng trong một tháng công tác.

Cũng bởi tính chất công việc nặng nhọc, vất vả, nên 100% cán bộ chiếu phim đều là nam giới. Anh Thường bộc bạch: “Chiếu phim gian nan vất vả, nhiều lúc cũng nản lắm, nhưng chưa khi nào mình có ý định bỏ nghề. Mỗi buổi chiếu chứng kiến bà con đến xem đông vui, những ánh mắt chăm chú theo dõi, những lời bình phẩm xôn xao, những nét mặt hứng thú phấn khởi của bà con dân bản thì anh em lại quên hết mọi mệt nhọc”.

Trên đường “cõng” phim về bản
Trên đường “cõng” phim về bản

Nỗi niềm sau màn ảnh rộng

Đầu năm 2020, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng tỉnh được đổi tên thành Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Điện Biên, quản lý 3 đội, 21 cán bộ viên chức phụ trách hoạt động chiếu bóng lưu động tại 8 huyện vùng cao, biên giới trong tỉnh. Mỗi năm đơn vị được giao thực hiện chiếu 1.200 buổi (bình quân 150 buổi/huyện). Do vậy, thời gian hoạt động của các đội tại cơ sở gần như cả năm.

Bà Dương Thị Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh Điện Biên, cho biết: Để có một “bữa ăn tinh thần” hấp dẫn, phục vụ bà con hài lòng thì đơn vị phải nỗ lực rất nhiều. Khâu “chế biến” món ăn phải bảo đảm các tiêu chí: Hay, đúng, trúng, thiết thực và đa dạng. Ngoài chiếu những bộ phim văn hóa, văn nghệ, giải trí thì kết hợp tuyên truyền phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, như: Tuyên truyền an toàn giao thông, bảo vệ môi trường phòng chống ma túy, phòng chống bạo lực gia đình, kế hoạch hóa gia đình, xóa đói giảm nghèo, phòng chống tệ nạn mua bán người qua biên giới… 

Chuẩn bị một buổi chiếu phim, các đội phải lên kế hoạch trước đó cả tuần. Các anh em luôn động viên nhau: “Ở đâu có Nhân dân thì ở đó có dấu chân những người chiếu bóng” - câu nói vui nhưng cũng là mục tiêu hoạt động của những người chiếu bóng luôn hướng về cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.