Hơn tám năm trước, Huổi Khon là cái tên xuất hiện dày đặc trên các báo cả trong nước và quốc tế. Nó nổi tiếng bởi một câu chuyện hoang đường: Tại ngọn “đồi thiêng” bên suối “hòn đá lớn sẽ hóa thành con trâu, con bò; hòn đá nhỏ sẽ hóa thành con lợn…”. Đã có hàng nghìn người bỏ nhà, bỏ ruộng từ khắp nơi về đây để được truyền phép lạ, không làm mà cũng có cái ăn…
Sau sự cố, người dân Huổi Khon nhanh chóng bắt nhịp lại cuộc sống yên bình vốn có với sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng đứng chân trên địa bàn như Công an, Bộ đội Biên phòng (BĐBP). Ông Sùng A Kỷ, Trưởng bản Huổi Khon cho hay: “Chúng tôi được Nhà nước hỗ trợ tiền lợp mái nhà, cho vay vốn để xóa đói, giảm nghèo. Nhà nước cũng làm cho bản 3 bể nước sinh hoạt tập trung. Tất cả bà con, kể cả những người đã lầm đường lạc lối đều nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, được hưởng các quyền lợi như nhau”.
Đại úy Nguyễn Tiến Minh, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Huổi Khon, Đồn Biên phòng Nậm Kè cho biết: Từ năm 2011 đến nay, cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã thực hiện “ba bám, bốn cùng” với đồng bào tại Huổi Khon. Chúng tôi thường xuyên xuống bản nắm tình hình, động viên bà con phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, từ trên 80% số hộ nghèo (năm 2011), Huổi Khon hiện chỉ còn 3 hộ nghèo. Đơn vị còn tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho Nhân dân hàng chục lần. Thực hiện tuyên truyền để người dân ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh. Công an, BĐBP cùng dân bản quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên trường lớp học, cùng người dân dựng nhà mới, sửa nhà cũ… Nhờ đó, tình quân dân ngày càng thêm gắn bó. An ninh trật tự được đảm bảo tuyệt đối.
Chúng tôi đến thăm hộ anh Vàng A Vảng. Bên căn nhà còn đang ngổn ngang, bề bộn với những tấm ván gỗ, anh Vảng chia sẻ: “Mấy năm nay, Nhà nước quan tâm nhiều đến dân bản Huổi Khon. Năm 2015, gia đình mình và hộ Vàng A Lử được hỗ trợ một con bò. Sau hai năm chăm sóc, bán đi được 18 triệu đồng để mua hai con nghé con. Đầu năm 2018, hai con nghé lớn, mình bán đi được gần 30 triệu đồng. Với số tiền dành dụm từ mấy năm trước, mình quyết định xây nhà mới để cưới vợ cho con trai”.
Trung úy Vàng A Lử, Trưởng Công an xã Nậm Kè chia sẻ: Gia đình anh Vảng đã có 2 con trâu, 1 con bò, hơn 20 con gà và 5 sào lúa nước. Từ một hộ nghèo, anh Vảng vươn lên phát triển kinh tế và trở thành hộ khá ở Huổi Khon với thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.
Anh Vảng là một trong số 52 hộ dân ở bản Huổi Khon, xã Nậm Kè đã được Nhà nước hỗ trợ theo các Chương trình mục tiêu quốc gia những năm gần đây. Ông Sùng A Kỷ tự hào: “Năm 2018, cả bản chỉ còn ba hộ nghèo do hoàn cảnh gia đình thôi. Chúng tôi phấn đấu vận động và giúp đỡ để đến hết năm nay, 3hộ nghèo này sẽ thoát nghèo”.
Theo Trưởng bản Sùng A Kỷ: Năm 2018, đã có 30 hộ dân trong bản được hỗ trợ cây sa nhân, năm 2019 có thêm 9 hộ (mỗi hộ 300 cây, tổng giá trị khoảng 12 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ sản xuất thuộc CT135), nếu chịu khó chăm sóc, sau ba năm có thể thu hoạch được. Mấy năm nay, thương lái từ Điện Biên vào tìm mua cây sa nhân làm dược liệu cũng nhiều nên có thể yên tâm về đầu ra.
Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Kè, ông Lý Văn Xuân cho biết: Toàn bản có trên 13ha lúa nương, gần 8ha lúa nước, 10ha cây chít, lương thực bình quân đầu người đạt gần 500kg/năm. Nhiều năm nay, cả bản Huổi Khon không có người tự đến và đi như trước, 52 hộ dân đều yên tâm làm ăn. Nhờ các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như 135, 30a, Nông thôn mới… hiện, đa số các hộ dân Huổi Khon đã có nhà ở kiên cố. Trong phát triển kinh tế, ngoài canh tác truyền thống, hiện nay đã có một số hộ khai hoang, cải tạo đất để trồng cây cà phê, cây chít và bước đầu đã cho thu nhập ổn định cuộc sống...
MINH THU