Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đánh thức tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh

Quỳnh Trâm - 06:30, 06/08/2024

Khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa có nhiều tiềm năng, dự địa để phát triển du lịch từ nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các DTTS. Nhưng, như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, các địa phương miền núi của xứ Thanh vẫn chưa thực sự “đánh thức” được nguồn tài nguyên đó để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đồng thời bảo tồn, quảng bá văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các DTTS.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) “Đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh
Lãnh đạo Ban Dân tộc Thanh Hóa đi kiểm tra thực tế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình MTQG 1719 tại huyện Bá Thước

Khởi sắc miền biên viễn

Tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi; trong đó có 16 xã, thị trấn thuộc 5 huyện (Mường Lát, Lang Chánh, Quan Sơn, Quan Hóa, Thường Xuân) có đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Nhiều thập niên qua, khu vực miền núi xứ Thanh - nơi thượng nguồn sông Mã, đã in dấu trong tâm thức người Việt Nam bao thế hệ, qua bài thơ “Tây tiến”.

Trước đây, ấn tượng đọng lại về miền núi của Thanh Hóa là một vùng bát ngát núi rừng xa thẳm, heo hút. Theo thời gian, cùng với sự phát triển chung của tỉnh, miền biên viễn xứ Thanh đã “gần hơn” với vùng đồng bằng, đô thị.

"Từ năm 2019 đến nay, lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tập trung đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi của tỉnh"
Ông Đầu Thanh Tùng
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Với nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, những cung đường “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm” ở miền núi xứ Thanh nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa; không chỉ đường liên tỉnh, liên huyện mà đã đến tận thôn, bản.

Số liệu của Sở Giao thông Vận tải Thanh Hóa cho thấy, trong nhiệm kỳ 2020 – 2025, bình quân mỗi năm, tỉnh bố trí khoảng 2.000 tỷ đồng, ưu tiên phát triển các tuyến giao thông kết nối mới, mở rộng không gian phát triển gắn với khai thác tiềm năng, lợi thế vùng, miền, các địa phương. 

Trước đó, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh đã huy động được gần 8.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng ở khu vực miền núi.

“Huyết mạch” kinh tế được khơi thông, cùng với các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, cho đồng bào các DTTS từ ngân sách nhà nước, diện mạo miền núi của xứ Thanh đã thay đổi rõ nét; đời sống của người dân, nhất là đồng bào các DTTS, được nâng lên.

Năm 2023, thu nhập bình quân của khu vực miền núi Thanh Hóa ước đạt 40,7 triệu đồng/người/năm. Trước đó, năm 2018, theo quyết định công bố kết quả điều tra lao động, việc làm và thu nhập bình quân đầu người cấp huyện trên địa bàn của UBND tỉnh Thanh Hóa, khu vực miền núi của tỉnh đạt khoảng 28,3 triệu đồng/người/năm.

Vẫn là “nàng công chúa ngủ trong rừng”

Với xuất phát điểm thấp, sự tăng trưởng của khu vực miền núi xứ Thanh nêu trên là rất đáng khích lệ, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa với khu vực miền xuôi. Bởi, thu nhập khu vực miền xuôi hiện đạt hơn 63,4 triệu đồng/người/năm; trong đó cao nhất là TP. Thanh Hóa đạt gần 84,9 triệu đồng/người/năm (theo Quyết định số 2857/QĐ-UBND ngày 08/7/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa về công bố kết quả điều tra lao động, việc làm và thu nhập bình quân đầu người cấp huyện năm 2023).

Đó là chưa kể, con số 40,7 triệu đồng/người/năm mới chỉ là ước tính của cơ quan thống kê tỉnh Thanh Hóa ở thời điểm giữa năm 2023. Đến hết năm 2023, theo Quyết định số 2857/QĐ-UBND ngày 08/7/2024 thì thu nhập bình quân khu vực miền núi của tỉnh chỉ đạt hơn 39,6 triệu đồng/người/năm; trong đó, thấp nhất là huyện Mường Lát (24,4 triệu đồng/người/năm), cao nhất là huyện Cẩm Thủy (gần 50,3 triệu đồng/người/năm).

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) “Đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh 2
Thanh Hóa có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng như thác Mây tại huyện Thạch Thành

Các chuyên gia kinh tế đã định nghĩa rõ rằng, thu nhập bình quân đầu người là chỉ tiêu để đánh giá mức sống, phân hóa giàu nghèo, tính tỷ lệ nghèo làm cơ sở cho hoạch định chính sách nhằm nâng cao mức sống của Nhân dân, xóa đói, giảm nghèo. Chiếu theo nội hàm đó, nhìn từ thu nhập bình quân đầu người thì hành trình giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân ở khu vực miền núi xứ Thanh còn lắm gian nan.

Trong khi đó, đây là địa bàn được xác định có rất nhiều tiềm năng để phát triển. Bên cạnh nguồn tài nguyên để phát triển nông – lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, công nghiệp khai khoáng,... thì miền núi xứ Thanh sở hữu “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Với một vùng rừng núi hùng vĩ, nguyên sơ, miền núi xứ Thanh còn có hệ thống di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh rất nổi tiếng.

Bổ sung, bồi đắp giá trị cho hệ thống danh thắng đó là một nền văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các DTTS. Theo thống kê, dân số ở khu vực miền núi của tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 60%; chủ yếu là đồng bào các dân tộc: Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú.

Nhưng, như “nàng công chúa ngủ trong rừng”, tài nguyên du lịch của khu vực miền núi Thanh Hóa vẫn đang trong trạng thái “ngái ngủ”. Mặc dù những năm gần đây, một số địa phương miền núi của tỉnh đã chú tâm khai thác “mỏ vàng” lộ thiên này, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng đang sở hữu.

Như huyện Bá Thước, nơi đây sở hữu cảnh quan sông núi và hệ sinh thái đa dạng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông; những di tích lịch sử có giá trị như đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông,... Độc đáo kèm theo là những nếp nhà sàn truyền thống trong không gian văn hóa rừng núi; là lối ẩm thực riêng có và hấp dẫn với xôi hấp gà Kho Mường, vịt thác Hiêu Cổ Lũng...

Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu, trong giai đoạn 2021 - 2025 đón được 68,989 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,9%/năm; trong đó khách quốc tế là 3,178 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 88,7%/năm. Tổng thu từ du lịch đạt 161.235,8 tỷ đồng, trong đó tổng thu từ khách quốc tế là 1.257,7 triệu USD.

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Bá Thước cũng đã được định hướng rõ ràng, trước hết là đầu tư hạ tầng giao thông để kết nối. Tuyến đường 15C (dài 30km) nối Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (xã Thành Sơn, huyện Bá Thước) với xã Phú Lệ (huyện Quan Hóa) và huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) đã đưa vào sử dụng.

Các tuyến đường kết nối Khu Du lịch Pù Luông; tuyến từ Bản Pù Luông xã Thành Sơn đi Bản Bồng - xã Lũng Niêm; tuyến từ Bản Đôn đi Bản Bồng sang Chợ phố Đoàn, Thác Hiêu; tuyến đường giao thông nội thôn tại các điểm du lịch Bản Kho Mường, Bản Đôn,... cũng đã được đầu tư. Với sự đầu tư đó, Bá Thước đang dần “hút” du khách đến với miền biên viễn này. 

Nhưng, lượng khách có tăng, doanh thu từ du lịch của huyện Bá Thước lại chưa đạt như kỳ vọng. Năm 2023, huyện đón được 130 nghìn lượt khách du lịch, doanh ước đạt trên 100 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đón gần 140 nghìn lượt khách, doanh thu ước đạt trên 209 tỷ đồng.

Nhìn sang “hàng xóm” là huyện Mai Châu của tỉnh Hòa Bình – địa phương có tiềm năng du lịch không “giàu” hơn huyện Bá Thước, nhưng doanh thu từ du lịch rất khả quan. Năm 2023, huyện Mai Châu đón 656 nghìn lượt khách, doanh thu đạt trên 673 tỷ đồng... So sánh là khập khiễng, nhưng cũng để thấy, du lịch huyện Bá Thước nói riêng, khu vực miền núi Thanh Hóa nói chung, vẫn đang “ngủ đông”.

“Đánh thức” bằng cách nào?

Với cảnh quan thiên nhiên đa dạng và nền văn hóa đậm đà bản sắc sẵn có, cùng với hạ tầng cơ bản phục vụ du lịch (điện, đường, các thiết chế văn hóa cơ sở,...) đã được đầu tư, khu vực miền núi xứ Thanh có nhiều dư địa để phát triển ngành Du lịch; nhất là mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch cộng đồng. Trung ương và tỉnh Thanh Hóa cũng đã quan tâm bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước, ban hành và triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch ở địa bàn này.

Từ năm 2021 đến nay, ngoài Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các đề án, dự án riêng của ngành Văn hóa, khu vực miền núi xứ Thanh được thụ hưởng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2023; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) “Đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh 3
Thanh Hóa cần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch.

Trong đó, với việc thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” của Chương trình MTQG 1719, nhiều dự án đã và đang triển khai ở địa bàn miền núi xứ Thanh, với nguồn lực đầu tư không hề nhỏ.

Giai đoạn 2021 – 2023, theo Báo cáo số 26 /BC-UBND ngày 25/1/2024 của UBND tỉnh Thanh Hóa, tỉnh đã phân bổ 9,15 tỷ đồng để thực hiện dự án 6; hết năm 2023 đã giải ngân được 89,3% nguồn vốn.

Trong năm 2024, từ vốn sự nghiệp thuộc ngân sách Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã 02 lần phân bổ vốn (đợt 1, theo Quyết định số 1258/QĐ-UBND ngày 29/3/2024 là hơn 15,1 tỷ đồng; đợt 2 theo Quyết định số 2523/QĐ-UBND ngày 18/6/2024 là hơn 14,4 tỷ đồng) để thực hiện Dự án 6 trên địa bàn miền núi của tỉnh.

Rõ ràng, miền núi xứ Thanh đã có “Thiên thời – Địa lợi – Nhân hòa” để khai phá tiềm năng du lịch. Nhưng làm sao để “đánh thức” được nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng đó để khu vực miền núi Thanh Hóa, nhất là các huyện nghèo, vươn lên trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn là câu hỏi lớn.

Thực tế, từ gần chục năm nay, các nguồn lực để đầu tư các chương trình, dự án, đề án nhằm “đánh thức” du lịch miền núi, được tỉnh Thanh Hóa triển khai theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2025, ban hành tại Quyết định số 492/QĐ-UBND, ngày 09/2/2015. Từ năm 2023 đến nay, tỉnh cũng đã phê duyệt đề án phát triển du lịch các huyện miền núi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; mỗi huyện có đề án riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ) “Đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh 4
Tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch miền núi là rất cần thiết để đánh thức tiềm năng phát triển du lịch tại miền núi xứ Thanh

Đơn cử, tại Quyết định số 1673/QĐ-UBND ngày 18/5/2023 phê duyệt “Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với huyện nghèo, có thu nhập bình quân thấp nhất tỉnh này, UBND tỉnh chỉ đặt chỉ tiêu, đến năm 2025, doanh thu du lịch của Mường Lát đạt hơn 10,35 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt 26,8 tỷ đồng.

Đây có thể xem là phương án “biết mình, biết ta” trong mục tiêu tạo ra giá trị kinh tế từ tài nguyên du lịch ở huyện Mường Lát. Nhưng đó là chỉ tiêu trong ngắn hạn; về lâu dài chắc chắn sẽ có “định mức” cao hơn.

Vì vậy, huyện Mường Lát nói riêng, khu vực miền núi Thanh Hóa nói chung, cần tập trung tận dụng nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước từ nay đến năm 2030, trong đó có Chương trình MTQG 1719, đồng thời huy động, thu hút các nguồn lực khác để đầu tư cơ sở hạ tầng, tôn tạo các di tích, danh thắng, xây dựng cơ sở vật chất kinh doanh du lịch,... để có nền tảng vững chắc cho ngành “công nghiệp không khói”. 

Các địa phương miền núi và tỉnh Thanh Hóa cũng cần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn; nâng cao nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS tại chỗ cho ngành du lịch địa phương; đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch miền núi... Đây là giải pháp khi được triển khai đồng bộ sẽ “đánh thức” tiềm năng du lịch miền núi xứ Thanh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chính thức xác định “du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn”. Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục
Dự án 8 thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ DTTS huyện Văn Lãng

Dự án 8 thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” cho phụ nữ DTTS huyện Văn Lãng

Triển khai thực hiện Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Văn Lãng (Lạng Sơn) đã tích cực xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, góp phần tác động tích cực môi trường sống trên địa bàn huyện.