Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

"Đánh thức" đất cằn

PV - 15:01, 18/08/2021

Với mong muốn "đánh thức" đất cằn, làm giàu trên mảnh đất quê hương, ông Lường Quý Sửu, dân tộc Tày, xóm Nghinh Tác, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại thu nhập khá cho gia đình. Ông Sửu trở thành một trong những điển hình trong phát triển kinh tế từ tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương.

Chị Lường Thị Tuệ, con gái cả ông Sửu đang chăm sóc vườn mía gần 3 sào của gia đình
Chị Lường Thị Tuệ, con gái cả ông Sửu đang chăm sóc vườn mía gần 3 sào của gia đình

Ngôi nhà của gia đình ông Sửu nằm ngay dưới chân ngọn núi Khau Na. Từ sân nhà có thể quan sát được cả cánh đồng lúa rộng hàng chục ha phía trước. Đưa tay chỉ về ruộng mía ở phía xa xa, ông Sửu nói: "Trước đây, gần 3 sào ruộng đó để cấy lúa. Do gần đồi núi, nhiều chuột, bọ lên năng suất lúa thấp, mỗi sào chỉ thu được trên dưới 50kg/vụ. Vì vậy, khoảng 10 năm trở lại đây, tôi đã chuyển đổi sang trồng cây mía tím".

Ban đầu do chưa có kỹ thuật nên cây mía sinh trưởng chậm, thân nhỏ, ngắn vì thế bán không ai mua, chỉ dùng để quay làm đường phên bán. Vừa trồng, vừa rút kinh nghiệm nên dần dần ông có thêm nhiều kiến thức sản xuất, cây mía phát triển tốt hơn, đem ra chợ xã bán cũng được 10.000 đồng/cây, trồng ra đến đâu bán hết đến đấy. Vụ vừa rồi, trừ chi phí, gia đình ông thu về được hơn 10 triệu đồng từ việc bán mía cây.

Trong cuộc trò chuyện với ông Sửu, được biết không chỉ mạnh dạn đưa cây mía vào trồng, ông còn là người đầu tiên trong xã trồng rau màu theo hướng hàng hóa . Năm nào cũng vậy, sau khi thu hoạch vụ mùa xong, ông Sửu lại cải tạo 3 sào ruộng để trồng rau màu, với đủ các loại như: Su hào, cải bắp, cà chua... Mỗi vụ rau, gia đình ông thu về 3 - 5 triệu đồng/sào.

Ông Sửu chia sẻ: "Do đất ở đây tơi xốp, nguồn nước tưới từ các khe núi luôn dồi dào, vì thế các loại rau sinh trưởng và phát triển tốt. Để bảo đảm chất lượng cho cây rau, tôi không sử dụng phân hóa học mà mua phân chuồng của các hộ chăn nuôi trong xóm để bón".

Ngoài cây mía và rau màu, ông Sửu còn tận dụng những diện tích đất quanh nhà để trồng các loại cây ăn quả như: Mít, nhãn, vải, bưởi... với số lượng gần 100 gốc. Đồng thời phát triển chăn nuôi bò theo hướng vỗ béo... Với sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, mỗi năm, gia đình ông Sửu thu về trên 70 triệu đồng. Đến nay, gia đình ông đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, mua sắm được nhiều đồ dùng hiện đại phục vụ cho sinh hoạt.

Nói về mô hình kinh tế của ông Sửu, ông Ma Văn Đô, Trưởng xóm Nghinh Tác cho biết: Xóm Nghinh Tác có 60 hộ với 300 nhân khẩu, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc Tày. Kinh tế của người trong xóm chủ yếu dựa vào sản xuất lúa và trồng rừng. Việc ông Sửu đưa cây mía, rau màu vào sản xuất thành công được coi là một bước đi mang tính đột phá. Từ mô hình trồng rau màu của gia đình ông Sửu, nhiều hộ trong xóm cũng đã học theo. Cả xóm Nghinh Tác hiện có 15 hộ trồng rau màu theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập khá./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.