Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhiều nông dân Quảng Trị thoát nghèo nhờ trồng nghệ

PV - 16:13, 04/01/2019

Thời gian qua, nhiều địa phương của huyện Gio Linh, Quảng Trị đã chủ động chuyển đổi cây trồng để ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những cây trồng được ưu tiên đó là cây nghệ vàng. Đây là loại cây đã giúp người dân các xã miền núi thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

cây nghệ vàng Người dân xử lý nghệ chuẩn bị làm tinh bột.

Bà Trần Thị Cúc ở thôn Tân Văn, xã Gio An cho biết, gia đình bà có 1,5ha diện tích đất đồi và đất trồng các loại cây rau màu. Những năm qua, các loại cây trồng như lạc, ngô, sắn đều không mang lại hiệu quả do thời tiết nắng nóng, khô hạn. Vì thế, sau khi đi tham quan một số mô hình trồng nghệ ở các xã lân cận, thấy có hiệu quả nên gia đình đã quyết định chuyển sang trồng nghệ. Trồng nghệ có ưu điểm đó là chống chọi được với khô hạn, đỡ công chăm bón và giảm được chi phí đầu tư. Với 1,5ha nghệ cho năng suất 15 tấn/ha, giá bán 9.000đồng/kg thì mỗi vụ nghệ đem lại thu nhập cho gia đình hơn 100 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn trồng xen các loại cây ăn quả như: ổi, bưởi da xanh nên giá trị thu nhập càng cao hơn... “Cây nghệ đã giúp gia đình tôi thoát nghèo, con cái được học hành đầy đủ, mua sắm được nhiều trang thiết bị”, bà Cúc chia sẻ.

Cũng như gia đình bà Cúc, gia đình ông Lê Quang Phước cùng thôn Tân Văn trồng 4ha cây nghệ, cho thu hoạch hơn 60 tấn nghệ tươi, thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Hiện nay, mô hình trồng nghệ của ông Phước được xem là mô hình điểm để nhân rộng trên địa bàn xã Gio An.

Điều ghi nhận là cây nghệ rất hợp với thổ nhưỡng và khí hậu ở các xã miền Tây huyện Gio Linh nên phát triển tốt, cho năng suất và tinh bột cao. Theo nhiều người trồng nghệ ở đây, lượng tinh bột luôn đạt 6% trở lên, có nghĩa là cứ 100kg nghệ tươi sẽ cho 0,6kg tinh bột nên các thương lái và người chế biến tinh bột rất ưa thích.

Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch UBND xã Gio An cho biết: Hiện nay, diện tích trồng nghệ của Gio An là trên 130ha. Diện tích nghệ sẽ còn phát triển trong thời gian tới khi cây nghệ đang cho hiệu quả thu nhập cao. Sản phẩm nghệ của Gio An đã có mặt khắp trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, ở Gio An có khoảng 200 hộ gia đình làm tinh bột nghệ thủ công và bán lẻ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Bình quân mỗi năm, xã Gio An thu về hơn 20 tỷ đồng từ cây nghệ vàng. Cây nghệ đã giúp giảm được tỷ lệ hộ nghèo trong xã xuống còn gần 4%, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân (gần 30 triệu đồng/năm) để Gio An sớm về đích xây dựng nông thôn mới năm 2016.

Cũng như xã Gio An, người dân xã Gio Bình cũng tập trung trồng nghệ. Hiện nay, diện tích trồng nghệ ở xã Gio Bình là hơn 50ha. Theo ông Tạ Quang Lộc, Chủ tịch UBND xã thì để nâng cao thu nhập cho người dân, chính quyền xã đã chỉ đạo người dân chuyển đổi cây trồng, trong đó tập trung chuyển sang trồng nghệ và một số cây dược liệu khác như cà gai leo, chè vằng… Nhiều hộ trồng nghệ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu như hộ gia đình ông Tạ Văn Thú ở thôn Tiến Kim, hộ ông Nguyễn Tài Quốc ở thôn Xuân Mai… Xã Gio Bình cũng tạo điều kiện thành lập tổ hợp tác và quy hoạch địa điểm tổ chức sản xuất quy mô lớn nhằm khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng nghệ.

Ông Nguyễn Văn Thức, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gio Linh cho biết: Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện đang tổ chức quy hoạch vùng trồng nghệ để có những giải pháp chỉ đạo người dân thâm canh tăng năng suất. Huyện cũng đang phối hợp với các địa phương tìm doanh nghiệp liên kết tiêu thụ để người dân yên tâm sản xuất, đẩy mạnh hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật canh tác, chuyển giao khoa học-công nghệ, tiến tới từng bước đưa cây nghệ trở thành cây trồng chủ lực để giúp người trồng nghệ thoát nghèo, vươn lên làm giàu.

MINH THỨ